Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với đường lối 'trí thức hóa công nông'

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamNăm 1994, nhân chuyến công tác tại Mỹ Tho, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang Chín Trung có dẫn tôi tới thăm gia đình Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Năm Ngọc. Trên bàn thờ, ngoài ảnh của các cụ thân sinh, tôi thấy có ảnh Bác Hồ, ảnh đồng chí Hoàng Quốc Việt. Và trên tường phía trái có ảnh Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

Tầm nhìn chiến lược trong chính sách “trí thức hóa công nông”

Đoán được băn khoăn của tôi, anh Năm giải thích: “Năm 1955, tôi được tập kết ra Bắc. Là một thanh niên khỏe mạnh, tôi được bổ sung vào Tổng đội xây dựng đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan. Một hôm, mình đang đẩy xe goòng chất đầy tà vẹt thì gặp đoàn thanh tra của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hoàng Quốc Việt dẫn đầu. Ông cụ chặn xe goòng của mình rồi hỏi:

- Này anh bạn trẻ, vì lười học hay sao mà lại đi lao động?

- Con ra tập kết mới được 2 tháng, thưa bác, tổ chức phân việc gì con làm việc đó - Tôi trả lời.

Ông cụ quay sang nói với người cùng đi: - Anh Huyên ơi, chúng mình biết trả lời đồng bào miền Nam ra sao, sau 2 năm đất nước thống nhất, con em đồng bào vẫn “mù chữ” từ miền Bắc về?

Ông Huyên “điển trai” đó, sau này tôi mới biết là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình, lý do tập kết, trình độ văn hóa... Và ngay sau đó, hai ông trực tiếp gặp người chỉ huy công trường, xin phép cho tôi được nghỉ việc, đi cùng xe về Hà Nội và đưa tôi vào thẳng trường bổ túc văn hóa công nông Trung ương.

Học xong bổ túc công nông, tôi thi đậu vào Đại học Tổng hợp. Học xong Đại học với văn bằng loại giỏi, chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên lại ký quyết định cử chúng tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học tại Đại học Tổng hợp Lomonosov (Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva), tôi trở về dạy tại Đại học Tổng hợp và sau đó cũng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký quyết định cho tôi trở về miền Nam chống Mỹ. Đấy chính là lý do, trên bàn thờ, ngoài ảnh của các cụ thân sinh, mình thờ Bác Hồ, bác Hoàng Quốc Việt và Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - những người đã đổi đời cho mình. Nhờ các vị đó, mình mới có ngày nay”.

Rồi anh Năm tâm sự: Có thể nói, hầu hết cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện miền Nam hiện nay ở lứa tuổi mình đều đi lên từ trường bổ túc văn hóa công nông, hoặc từ các trường học sinh miền Nam, đều mang ơn Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên.

Buổi gặp gỡ hôm đó làm tôi nhớ lại những ngày còn làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt, những lần cùng Bộ trưởng chuẩn bị bài phát biểu cho lãnh đạo Tổng công đoàn nhân 20 năm thành lập Trường phổ thông lao động trung ương (1951 - 1971) và 15 năm thành lập trường bổ túc văn hóa công nông trung ương (tháng 10.1955 - 10.1970). Càng đọc, càng nghiên cứu, tôi càng khâm phục tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định và thực thi chính sách “trí thức hóa công nông” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên để đào tạo một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, “vừa giỏi lý luận vừa giàu thực tiễn” cho Đảng và Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10.1.1946, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Chúng ta giành được tự do, độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân được học hành”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên nhậm chức ngày 3.11.1946 tiếp quản công việc của Giáo sư Đặng Thái Mai.

“Làm cho dân có học hành” là nhiệm vụ không dễ dàng với một đất nước 20 triệu dân, trong đó 95% là mù chữ khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch với sự tham gia của toàn dân và tài điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - một kiến trúc sư tài năng, linh hồn của nền giáo dục dân chủ Nhân dân, chỉ trong 5 năm từ tháng Tám năm 1945 đến tháng 12.1950, phong trào diệt dốt, nâng cao dân trí đã phát triển liên tục và trở thành cao trào: Giúp 14 triệu người thoát nạn mù chữ. Và đến cuối năm 1952, cả nước đã có 10.450 lớp học bổ túc văn hóa với gần 336.000 học sinh. Những con số đó đặc biệt có ý nghĩa trong điều kiện chiến tranh ác liệt.

Cùng với việc phát triển theo chiều rộng, Bộ Quốc gia giáo dục đặc biệt quan tâm đến chất lượng của các trường, đặc biệt là các trường phổ thông lao động ở Trung ương và các tỉnh.

Trường phổ thông lao động Trung ương được thành lập tháng 2.1951 và tồn tại đến năm 1977. Qua 26 năm xây dựng và phát triển, trường đã hoàn thành 42 khóa học cho 10.000 cán bộ từ cấp huyện trở lên, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp, các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, cán bộ văn hóa - nghệ thuật...

Tháng 10.1955, để đáp ứng nhu cầu kiến thiết và cải tạo XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Bộ Giáo dục mở trường bổ túc văn hóa công nông trung ương. Trường tồn tại đến năm 1964. Trong 9 năm hoạt động, trường đã cung cấp gần 7.000 sinh viên vốn là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu, công tác, những thanh niên là con em công nông, con em cán bộ ở hai miền Nam - Bắc cho các trường đại học.

Nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học được tiếp tục đào tạo sau đại học. Đã có hơn 200 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ, được công nhận các chức danh khoa học: giáo sư, phó giáo sư, viện sĩ. Nhiều học viên của trường đã trưởng thành và được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo ở các bộ, ngành Trung ương, cán bộ chủ chốt các địa phương, trong đó có cả Thủ tướng.

Song song với việc xây dựng trường bổ túc văn hóa công nông trung ương, ngày 22.7.1959, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 380/NĐ thành lập các trường bổ túc văn hóa công nông liên tỉnh và các khu tự trị dành cho thanh niên không có điều kiện học ở các trường phổ thông cũng như một số cán bộ (kể cả cán bộ xã), quân nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến trình độ cấp I, cấp II để đưa vào các trường chuyên nghiệp đào tạo thành công nhân tay nghề cao, cán bộ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Hệ thống các trường phổ thông lao động, bổ túc văn hóa công nông là một bộ phận hợp thành hệ thống giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nền giáo dục một thời là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là một trong những bông hoa đẹp nhất của chế độ mà người có công lớn là giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Huyên - một trí thức uyên thâm giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục suốt 30 năm liên tục.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16.11.1905 tại xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, nay là huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Ông được Chính phủ liên hiệp kháng chiến cử giữ chức Bộ trưởng Quốc gia giáo dục từ ngày 3.11.1946 đến tháng 10.1975. Ông là đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến khi mất, và là Ủy viên Ủy ban Trung ương, rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông là trí thức tiêu biểu của thế hệ lập quốc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ lãnh đạo “trung với nước, hiếu với dân”, một tấm gương sáng để mọi thầy trò các thế hệ hôm nay và mai sau soi chung.

Nguyễn Túc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/bo-truong-nguyen-van-huyen-voi-duong-loi-tri-thuc-hoa-cong-nong-i296323/