Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với những biến động

Ngành nông nghiệp sẽ cùng các địa phương tái cơ cấu nông nghiệp; thích ứng với các biến động bằng các giải pháp nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đồng bộ trong liên kết sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, chiều 2/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, mặc dù trong 6 tháng đầu năm ngành đạt được những kết quả nền tảng nhưng 6 tháng cuối năm vẫn có những thách thức lớn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại dịch COVID-19 đến nay đã lan tỏa, xâm nhập vào tất cả các quốc gia và chưa có hồi kết, rất phức tạp, do đó vấn đề tới đây là thị trường xuất khẩu sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh đó, nguy cơ về dịch bệnh trên các đối tượng, cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi ở một số nước xung quanh đã quay trở lại, thậm chí ngay cả trong nước, một số địa phương cũng đã bị tái phát; cúm lợn G4; trong trước đang có tổng đàn gia cầm lớn nhất từ trước tới nay với 600 triệu con nên nguy cơ dịch bệnh đặt ra vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp.
Ngành cũng sẽ đối mặt với mưa bão khắc nghiệt. Bước vào mùa mưa lũ năm nay với nguy cơ mưa lũ lớn. Thậm chí ngay từ đầu năm đã có những yếu tố về thiên tai khắc nghiệt.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nếu khó khăn thì quyết tâm nhiều hơn nữa. Bộ cùng các địa phương không thay đổi các chỉ tiêu: tăng trưởng, xuất khẩu…
Bộ xác định sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất cho từng lĩnh vực, từng mục tiêu, kết hợp với từng địa phương với giải pháp tổng thể để ứng phó kịp thời. Bộ sẽ tổ chức khai thác tốt thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương quyết liệt, khai thác rất tốt thị trường 100 triệu dân trong nước, nên hàng hóa nông sản được tiêu thụ rất tốt.
Ngành sẽ cùng các địa phương chú trọng hơn tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó tái cơ cấu không chỉ gia tăng về sản xuất và chú ý đến việc thích ứng với các biến động bằng các giải pháp nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, đồng bộ trong liên kết sản xuất.
Riêng về xây dựng nông thôn mới, ngành sẽ tập trung vào 2 nhóm. Đó là với gần 60% số xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới sẽ chuyển sang giai đoạn mới ở cấp độ cao hơn; đồng thời thúc đẩy số xã còn lại chưa hoàn thành để sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới đồng bộ.
Trước tình hình thiên tai được dự báo sẽ khắc nghiệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc ứng phó thiên tai để làm sao hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Bộ đề nghị địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các địa phương có chương trình hành động rất cụ thể và sát thực tiễn theo phương châm 4 tại chỗ; đặc biệt là những địa phương có các điểm đê xung yếu và hồ chứa xuống cấp.
Hiện nay, cả nước đang tái đàn lợn rất tốt. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi đã quay trở lại ở một số địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các đia phương phối hợp tốt với ngành để có giải pháp an toàn chăn nuôi an toàn trong tái đàn.
Trong 6 tháng đầu năm, do tác động của dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nhưng bằng sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế và người dân nên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt kết quả rõ nét, khá toàn diện về các mặt. Ngành đã có tăng trưởng 1,19%; cả 3 khu vực: lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi đều có tăng trưởng.
Bên cạnh đó, hai nhóm chỉ tiêu căn cốt nhất trong tình hình COVID-19 và thiên tai khắc nghiệt là chỉ tiêu về lượng thực, thực phẩm đều hoàn thành vượt mức. Riêng chỉ tiêu lương thực đã đảm bảo cho 3 mục tiêu: nhà nước cân đối được dự phòng bất kể trong tình huống nào; người dân đảm bảo có lãi trên 40%, giá hợp lý; doanh nghiệp xuất khẩu có giá trị cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 18,8 tỷ USD, giảm 3,4%. Tuy giảm nhưng trong hoàn cảnh cụ thể thì đây là kết quả rất đáng trân trọng.
Về nông thôn mới, hiện cả nước đã đạt 58,3% số xã đạt nông thôn mới và kế hoạt năm 2020 là 59% nên chỉ tiêu này năm nay ngành sẽ hoàn thành vượt mức. Hay chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng cũng sẽ đặt và vượt 42%./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-tai-co-cau-nong-nghiep-thich-ung-voi-nhung-bien-dong/161506.html