Bộ trưởng Nội vụ: Ngăn việc 'tranh thủ' bổ nhiệm khi sáp nhập huyện, xã

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, nhiều quy định được đưa ra để tránh những trường hợp 'tranh thủ' bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại các huyện, xã đang chuẩn bị sáp nhập.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Chiều 12/3, Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, dự thảo Nghị quyết quy định có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), đó là: Khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khuyến khích việc sắp xếp các ĐVHC còn lại.

Nguyên tắc của việc sắp xếp là các ĐVHC mới được hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211, trừ một số trường hợp có yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đối với các thị xã, thành phố thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định (thành phố Lai Châu, thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Nghĩa Lộ, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Quảng Trị) thì được điều chỉnh một số ĐVHC cấp xã của ĐVHC cấp huyện liền kề để nhập vào thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào phường, thị trấn thì khi nhập xã hoặc điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã vào các phường, thị trấn liền kề để giảm ĐVHC và hình thành ĐVHC đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211 thì không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến đội ngũ cán bộ, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, dự thảo Nghị quyết đã quy định các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về số lượng lãnh đạo, quản lý; số lượng công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chế độ, chính sách thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

“Quy định này để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những ĐVHC cấp huyện, cấp xã đang chuẩn bị sắp xếp, gây khó khăn thêm cho việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức ở các ĐVHC mới sau này; dự thảo Nghị quyết quy định tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn quy định việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-noi-vu-ngan-viec-tranh-thu-bo-nhiem-khi-sap-nhap-huyen-xa-1387615.tpo