Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Điểm thi Sử, Tiếng Anh chưa chấp nhận được

Tại Hội nghị 'Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học' sáng 17/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhận xét, kết quả thi Lịch sử, Tiếng Anh tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa chấp nhận được...

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 là 94,06%. Ảnh: HH

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 là 94,06%. Ảnh: HH

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm

Theo số liệu công bố chính thức của Bộ GD&ĐT vào sáng 17/7, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2019 là 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018 (97,57%). Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn cao hơn năm 2016 (92,93%).

Trong số hơn 63 tỉnh, thành, Nam Định dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 98,57%. Thủ đô Hà Nội có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 97,6% (năm ngoái 99,38%).

Đáng lưu ý, năm nay có địa phương tỷ lệ tốt nghiệp giảm chỉ còn 70%. Tại 2 “điểm nóng” Sơn La và Hà Giang, tỷ lệ này giảm hơn 25% và 17% so với năm ngoái.

Tại Sơn La, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay là 71,97%, giảm 25,32% so với năm 2018. Hà Giang, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn tỉnh là 71,96%, thấp hơn năm 2018 gần 17%.

Với kết quả này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá, đã phản ánh dần đến thực chất, đủ tin cậy để các cơ sở tuyển sinh đại học, cao đẳng. "Kỳ thi THPT Quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kĩ năng sau 12 năm học phổ thông. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm trước, có tỉnh chỉ đạt 70%, phản ánh dần đến thực chất".

Phương thức thi THPT quốc gia, theo Bộ trưởng, sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

Cần "mổ xẻ" nguyên nhân

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2019, kết quả thi 2 môn Lịch sử, Tiếng Anh thấp khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về chất lượng dạy và học 2 môn này ở bậc phổ thông hiện nay.

Môn tiếng Anh, có tới 542.666 thí sinh đạt điểm dưới trung bình, chiếm tới 68,74%. Điểm số có thí sinh đạt nhiều cũng chỉ là 3,2 điểm. Đáng lo lắng, có tới 630 thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống.

Ngoài tiếng Anh, Lịch sử cũng là môn có nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ cao (tới 70,01%); có tới 395 thí sinh đạt điểm liệt; điểm trung bình ở môn Sử rất thấp chỉ là 4,3 điểm.

Với kết quả thấp như vậy, sáng nay tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có ý kiến.

"Không phải năm nay 2 môn này mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Năm nay khi phân tích phổ điểm nhìn chung Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được" - Bộ trưởng nói, đồng thời khẳng định, cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm.

"Kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành Giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT Quốc gia như Lịch sử, tiếng Anh".

Bộ trưởng cũng thông tin, cuối tuần này, Bộ sẽ tổ chức hội nghị giám đốc sở GD&ĐT để bàn kỹ về phổ điểm thi năm này, "mổ xẻ", lí giải nguyên nhân vì sao môn này, môn kia thấp, để rút kinh nghiệm.

Trước 2/8 hoàn thành chấm phúc khảo

Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 24/7, các Sở GD&ĐT phải chuyển dữ liệu phúc khảo cho Hội đồng thi và tổ chức phúc khảo bài thi hoàn thành trước 2/8.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-diem-thi-su-tieng-anh-chua-chap-nhan-duoc_t114c8n151396