Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Giáo dục để người dân biết lựa chọn đúng'

Đó là một trong những câu hỏi được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt ra tại diễn đàn 'Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu' diễn ra ngày 2-3/7.

Lần đầu tiên diễn đàn được do UNESCO, Bộ GD-ĐT và UB Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Việt Nam nhằm hưởng ứng chủ đề "Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học và trung học".

Hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tới tham dự.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề làm thế nào để phát triển kinh tế xã hội có thể thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai, khi trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi?

“Giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đó”, ông Nhạ khẳng định.

Ông Nhạ chia sẻ kể từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là Chương trình Giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt vào tháng 12/2018 dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học, giúp học sinh có kỹ năng cần thiết cho thế kỷ XXI.

"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn xem giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện cho tất cả mục tiêu phát triển bền vững", ông Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều câu hỏi trong triển khai Chương trình này. Đó là làm thế nào giáo dục tiếp cận và phục vụ tất cả, cập nhật chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, hay để biến việc học tập thành một hành trình suốt đời...

“Những việc chúng ta đang làm sẽ là một câu trả lời cho các vấn đề trên. Dựa trên hàng ngàn giờ kinh nghiệm trực tiếp triển khai, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong giáo dục, chúng ta sẽ cùng nhau xác định các hành động cần thiết để biến các mục tiêu của phát triển bền vững thành hiện thực”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Ông Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – đánh giá diễn đàn sẽ đề cập đến các vấn đề không chỉ nằm ở quy mô quốc gia mà còn giải quyết cả vấn đề thực tế của Việt Nam.

Đó là cách thức để chuyển từ hệ thống giáo dục nặng về chuyển tải kiến thức, rèn luyện kỹ năng của học sinh sang giáo dục phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh sự sẵn sàng tốt nhất trong bối cảnh phát triển của cuộc CMCN lần thứ 4.

“Khi bàn về giáo dục vì sự phát triển bền vững không đơn giản là đưa các nội dung này vào lớp học. Điều quan trọng là sử dụng giáo dục như chìa khóa, công cụ để giải quyết được một cách toàn diện nhất tất cả các mục tiêu của sự phát triển bền vững”, ông Vinh nói.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ diễn ra 7 phiên họp toàn thể, 4 phiên thảo luận nhóm. Đại biểu tham gia Diễn đàn có cơ hội được chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi để giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập nhằm đạt mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, cụ thể là Mục tiêu 4.7, có liên quan chặt chẽ tới Giáo dục vì Sự Phát triển Bền vững và Giáo dục Công dân Toàn cầu.

Diễn đàn cũng sẽ dành thời gian cho giáo viên và học sinh lên tiếng về nhu cầu của họ, xét về khía cạnh sư phạm hiệu quả cho ESD và GCED, sau đó sẽ là phiên đối thoại toàn thể về nhu cầu nào cần được cải thiện/ thay đổi trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-truong-phung-xuan-nha-giao-duc-de-nguoi-dan-biet-lua-chon-dung-546723.html