Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mong tạo ra được hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục

Ngày 5.9, lễ khai giảng năm học 2018-2019 diễn ra đồng thời trên khắp cả nước. Trong dịp đặc biệt này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về những mục tiêu, kì vọng trong năm học mới; cũng như những khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục thời gian trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ những cơ hội và thách thức của ngành giáo dục trước thềm năm học mới.

Ưu tiên quy hoạch mạng lưới trường học, chuẩn hóa giáo viên

Thưa Bộ trưởng, trước ngày khai giảng, mưa lũ đã khiến ngành Giáo dục một số địa phương thiệt hại nặng nề. Bộ trưởng có thể cho biết ngành Giáo dục đã có biện pháp gì để các địa phương đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường trong năm học mới?

- Năm nay, nhiều địa phương khu vực phía Bắc, bắc miền Trung, các tỉnh vùng ĐBSCL mưa lũ rất lớn, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học.

Mới đây tôi đã trực tiếp lên thăm tỉnh Sơn La và cùng địa phương rà soát các điều kiện chuẩn bị cho năm học mới. Trong các đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường, trong đó có Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) mà tôi đến thăm, gần như bị phá hủy hết, từ chỗ ở, chỗ học, sách vở, thiết bị... Tôi rất cảm động trước hình ảnh các thầy cô với sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, an ninh ở khu vực, rất cố gắng, quyết tâm sửa sang, khôi phục lại cảnh quan nhà trường để kịp năm học mới.

Không chỉ riêng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt mà còn nhiều trường khác cần kề ngày khai giảng cũng gánh chịu thiệt hại do mưa lũ. Tôi đã phân công các đồng chí lãnh đạo Bộ GDĐT làm việc với các địa phương, động viên thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua khó khăn, cố gắng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới.

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm đã được đề ra từ 2 năm trước. Phụ huynh và xã hội rất quan tâm nhiệm vụ nào sẽ được ưu tiên thực hiện trong năm học này, Bộ trưởng có thể chia sẻ?

- Nhiệm vụ thứ nhất mà ngành phải thực hiện là sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các trường từ mầm non đến đại học. Trong đó, chú ý đến tính khoa học, hợp lý, tránh tình trạng bố trí giáo viên một cách cơ học…

Về phát triển đội ngũ - đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định thành bại của đổi mới GDĐT, vì thế Bộ GDĐT đã ban hành thông tư về chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng, nhằm nâng cao chất lượng giáo viên cũng như đội ngũ quản lý giáo dục. ..

Nhiệm vụ thứ ba hết sức quan trọng đó là tiếp tục chỉ đạo các địa phương kiên cố hóa trường lớp, cơ sở vật chất. Chúng tôi đã cùng với các bộ tham mưu trình Chính phủ đề án kiên cố hóa trường lớp kết hợp với chương trình khác, trong đó tập trung ưu tiên cho khu vực khó khăn.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ khác cũng quan trọng không kém, ví dụ như đổi mới phương thức thực hiện phát triển nâng cao trình độ ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường. Đối với đại học, chúng tôi quan tâm đến thực hiện tự chủ, bước đầu 23 trường thí điểm có kết quả tốt. Đẩy mạnh tự chủ ĐH cũng là để nâng cao chất lượng, gắn việc đào tạo nguồn nhân lực với nhu cầu sử dụng.

Nhiều khó khăn trên lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Đến thời điểm này, theo Bộ trưởng còn có những khó khăn gì có thể làm ảnh hưởng đến lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những nhiệm vụ rất trọng tâm đã được ngành Giáo dục thực hiện công phu, bài bản từ năm 2015. Chương trình tổng thể, Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục sau một thời gian xây dựng và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sẽ sớm được ban hành đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, 2 điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp vẫn là vấn đề cần phải quan tâm. Chương trình có tốt đến mấy nhưng người thực hiện là đội ngũ giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu cũng khó thành công.

Lần đổi mới này có khác biệt là chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, vì vậy, đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình. Nếu giáo viên không được bồi dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế, rủi ro sẽ rất cao.

Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải đảm bảo dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày. Đây cũng là một khó khăn.

Ngành Giáo dục đưa ra giải pháp gì để giải quyết khó khăn này, thưa Bộ trưởng?

- Trên thực tế, 2 điều kiện là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất Bộ GDĐT đều không quyết định trực tiếp được.

Về giáo viên, Bộ GDĐT phải làm việc với Bộ Nội vụ. Hiện nay như tôi đã nêu, tình trạng thiếu thừa giáo viên chưa được giải quyết, cộng thêm chế độ đãi ngộ với giáo viên còn hạn chế nên động lực để các thầy cô đổi mới rất khó khăn. Điều này Chính phủ cũng biết và chúng ta sẽ phải đợi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương tới đây.

Về cơ sở vật chất, phần nhiều phụ thuộc vào Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ GDĐT đang cùng các bộ liên quan tìm phương án giải quyết, tuy nhiên theo phân cấp, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất lại là các địa phương, nên rất cần cả sự đồng thuận và vào cuộc của các địa phương.

Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong thời gian Quốc hội cho phép nhưng quan trọng phải đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất trường lớp. Tinh thần chung là phải làm chắc chắn.

Tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo địa phương cùng đồng hành với Bộ GDĐT và các bộ ngành có liên quan triển khai chương trình này.

Hôm nay, cả nước sẽ đồng loạt khai giảng năm học mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì tới đội ngũ nhà giáo, học sinh, các bậc phụ huynh trong dịp đặc biệt này?

- Ngày 5.9 hàng năm có thể nói là ngày hội với ngành Giáo dục và toàn dân. Năm học mới ngành Giáo dục sẽ có rất nhiều nhiệm vụ, nhiều thách thức, tuy nhiên cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi.

Tôi mong muốn cũng như tin tưởng các thầy cô tiếp tục phát huy kết quả đạt được của năm học trước, bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ năm học mới.

Trước khó khăn, thách thức của đổi mới, các thầy cô hết sức bình tĩnh để cùng toàn ngành vượt qua. Tôi tin rằng các thầy cô với sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm sẽ thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình.

Tôi cũng chúc và mong các em học sinh một năm mới với nhiều nhiệm vụ học tập, với định hướng đổi mới và nhiều cơ hội phía trước sẽ chăm ngoan, học giỏi và có một năm học thành công.

Ngày khai giảng cũng là ngày hội của toàn dân và các bậc phụ huynh đưa con em tới trường, xin gửi lời chúc sức khỏe đến các bậc phụ huynh. Mong các bậc phụ huynh cùng đồng hành với ngành Giáo dục để chúng ta kết hợp giữa giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội, tạo ra được hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đặng Chung (ghi)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-mong-tao-ra-duoc-he-sinh-thai-tot-cho-phat-trien-giao-duc-629139.ldo