Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ đặt tên lửa ở châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 3/8 cho biết, ông ủng hộ việc đặt các tên lửa mặt đất tầm trung ở châu Á trong tương lai gần, một ngày sau khi Mỹ rút lui khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng.

Phát biểu của ông Esper nhiều khả năng sẽ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang, và có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ hiện đã cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt với Trung Quốc.

“Có, tôi muốn vậy”, ông Esper nói, khi được hỏi liệu ông có đang cân nhắc việc đặt tên lửa ở châu Á hay không. “Tôi muốn làm được việc đó trong vài tháng tới… nhưng những việc này thường sẽ mất thời gian lâu hơn dự kiến”, ông nói với phóng viên đi cùng ông tới Sydney, Australia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Mỹ đã chính thức rời khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga hôm 2/8, sau khi cáo buộc Moscow đã vi phạm hiệp ước. Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.

Hôm 2/8, các quan chức Mỹ cấp cao cho biết rằng việc huy động các vũ khí như vậy sẽ còn mất nhiều năm nữa.

Trong vòng vài tuần tới, dự kiến Mỹ sẽ thử một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, và vào tháng 11, Lầu Năm Góc sẽ đặt mục tiêu phóng thử một quả tên lửa đạn đạo tầm trung. Cả hai vụ phóng này sẽ sử dụng các loại vũ khí thông thường, không phải hạt nhân.

Hiệp ước INF kí kết năm 1987 nghiêm cấm việc sử dụng các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, cả hạt nhân và thông thường, và các tên lửa hành trình có tầm xa từ 500 đến 5.500km.

Các quan chức Mỹ từ nhiều năm nay đã cảnh báo rằng, Mỹ đang ở thế bất lợi với việc Trung Quốc đang phát triển các vũ khí tên lửa mặt đất ngày càng tinh vi, mà Lầu Năm Góc không thể sánh bằng vì phải tuân thủ hiệp ước với Nga.

Mỹ đã phải phụ thuộc vào các khả năng quân sự khác để đối trọng lại với Trung Quốc, như tên lửa phóng từ tàu chiến hay máy bay. Tuy nhiên, những người ủng hộ tên lửa mặt đất thì cho rằng đây là cách tốt nhất để chống lại việc Trung Quốc phô diễn sức mạnh tên lửa mặt đất.

“Tôi không nghĩ một cuộc chạy đua vũ trang sẽ xảy ra, tôi chỉ nghĩ chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp chủ động để phát triển một khả năng quân sự mà chúng tôi cần cho cả khu vực châu Âu và chắc chắn là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nữa”, ông Esper cho biết.

Tuy chưa có quyết định nào được đưa ra, về lý thuyết, Mỹ có để đặt các tên lửa dễ ẩn giấu và di chuyển được bằng đường bộ ở những nơi như Guam.

Anh Thư

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/bo-truong-quoc-phong-my-ung-ho-dat-ten-lua-o-chau-a-555790.html