Bộ trưởng Tài chính: Thủ tục hải quan không 'dễ dãi', ma túy vào qua nhiều đường

'Lực lượng công an, cùng với chúng tôi xác định, nước ta là địa điểm trung chuyển, nhưng ma túy vào Việt Nam không chỉ qua đường cửa khẩu, mà qua nhiều đường', Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói và nhấn mạnh, thủ tục hải quan không 'dễ dãi'.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Sáng ngày 17/9, tại phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan.

Bắt ma túy, hải quan có thành tích lớn

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, trong phiên thẩm tra các báo cáo tư pháp liên quan đến thủ tục hải quan, có ý kiến cho rằng, vừa rồi, chúng ta bắt được rất nhiều ma túy, lên tới hàng tấn, thậm chí chục tấn.

“Phải chăng thủ tục hải quan của chúng ta dễ hơn các nước khác dẫn đến ma túy vào nước ta nhiều không?”, bà Nga băn khoăn.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, không muốn nói là thủ tục hải quan dễ dãi.

“Thủ tục hải quan rất quan trọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu mấy năm gần đây đều gấp đôi GDP. Nếu nút thắt này bị thắt thì ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, nên những năm qua, chúng tôi đã rất chú trọng, tập trung cải cách thủ tục hải quan, góp phần tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy sản xuất và kinh tế trong nước”, Bộ trưởng nói.

Theo ông Dũng, gần đây, Bộ đã kiến nghị nhiều về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; hiện đại hóa hải quan, điện tử hóa hải quan.

“Chúng ta đã hiện đại hóa được một bước, nhất là sau khi tiếp nhận dự án của Nhật Bản”, Bộ trưởng thông tin. Theo đó, đã đào tạo nhân lực, giám sát trực tiếp từng luồng đi hàng hóa, hoạt động của từng cán bộ cấp dưới trong phạm vi làm việc; mua thêm các máy soi, điều chỉnh dự toán trong ngành.

Cùng với hiện đại hóa là gắn với hậu kiểm, kiểm soát rủi ro, tăng cường soi chiếu.

Về việc chống buôn lậu, Bộ trưởng khẳng định, hải quan có thành tích lớn, vai trò lớn và gần đây đã bắt vụ 5 tạ ma túy là lớn nhất.

“Lực lượng công an, cùng với chúng tôi xác định, nước ta là địa điểm trung chuyển, nhưng ma túy vào Việt Nam không chỉ qua đường cửa khẩu, mà qua nhiều đường. Bắt được ma túy cả trên đường không, đường bộ, cửa khẩu, cả trong nội địa do hải quan bắt hết”, ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, đã hội nhập phải tạo điều kiện, tăng cường kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều khâu, nhiều biện pháp khác nhau.

Khởi tố nhiều vụ hàng hóa quá cảnh vào tiêu thu nội địa

Một vấn đề nữa mà Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đến là tình trạng hàng hóa quá cảnh nhưng sau khi hưởng các thủ tục quá cảnh lại tiêu thụ trong nội địa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Như mặt hàng xăng, dầu, một thời gian có hiện tượng như thế. Việc ban hành áp dụng nghị định này có ngăn chặn được việc lợi dụng thủ tục để hưởng thuế suất thấp không?”, bà Nga hỏi.

Tán thành với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, theo Bộ trưởng Tài chính, đây là vấn đề cần kiểm soát.

“Hải quan đã khởi tố nhiều vụ án về việc này liên quan hàng hóa quá cảnh vào tiêu thụ nội địa”, ông Dũng nói và cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực sau khi đi công tác ở Quảng Ninh đã có ý kiến là phải bỏ tạm nhập tái xuất thuế cao như thuốc lá…

Tuy nhiên, theo ông Dũng, trước đây khi bàn việc này, Bộ đã đề nghị bỏ, nhưng địa phương muốn làm để hưởng dịch vụ kèm theo.

“Hàng hóa vào trong nước rồi đi ra, kể cả tạm nhập tái xuất đều theo dõi được nhưng thực chất, vẫn còn kẽ hở. Vừa qua, hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý khá nghiêm và một loạt vụ án đã được nêu ra”, Bộ trưởng Tài chính nêu rõ.

Về việc có cần thí điểm hay không? Ông Dũng cho biết, mấy tháng qua, chuyên gia đã vào Việt Nam đào tạo. Hệ thống điện tử này chạy song song hệ thống của ta. Đến khâu cuối cùng là phải kết nối hai hệ thống này với nhau.

“Các nước vừa qua làm thí điểm cũng vậy. Chúng tôi cho rằng, hiện này đã đào tạo, đã được kết nối, có thể cũng phải có giai đoạn chạy thử, đi từng bước từng khâu. Nhưng cơ bản chúng tôi cho rằng khi tổ chức thực hiện dự án này khả thi, tính khả thi cao”, ông Dũng nói.

Xin ý kiến về cơ chế bảo lãnh và doanh nghiệp ưu tiên

Cũng theo Bộ trưởng, Dự thảo Nghị định xin ý kiến Thường vụ Quốc hội 2 vấn đề lớn là cơ chế bảo lãnh và doanh nghiệp ưu tiên.

Ông Dũng cho hay, quy định cơ chế bảo lãnh là để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực thi hiệp định trong phạm vi các nước tham gia Nghị định thư 7.

Theo đó, để được thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế.

“Nội dung này là quy định mới so với pháp luật hiện hành”, Bộ trưởng Dũng nói.

Do vậy, dự thảo quy định về bảo lãnh riêng; bảo lãnh chung; cách tính tiền bảo lãnh; đặt cọc tiền thuế; điều kiện, quyền và trách nhiệm của người bảo lãnh; kiểm tra, theo dõi xử lý bảo lãnh, tiền đặt cọc của cơ quan hải quan; thu hồi và phối hợp thu hồi nợ thuế hải quan giữa các nước có hành trình hàng quá cảnh đi qua…

Riêng mức bảo lãnh, theo Bộ trưởng là mức thuế cao nhất của nước mà có trong hành trình hàng hóa quá cảnh đi qua và để có cơ sở đưa ra mức thuế cao nhất thì trách nhiệm của các nước là phải kết nối hệ thống dữ liệu hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) để có cơ sở xác định mức bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế hàng quá cảnh theo mức thuế cao nhất.

Về doanh nghiệp ưu tiên, ông Dũng cho hay, hiện tại, chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp thực quá cảnh hàng hóa.

Do đó, để phù hợp với Nghị định thư 7 mà Việt Nam đã ký kết, phê duyệt, tại Dự thảo Nghị định đã quy định nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên cụ thể: Quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện (tương tự như đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa).

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành ban hành nghị định và thống nhất về nguyên tắc về cơ chế bảo lãnh, doanh nghiệp ưu tiên.

Theo ông Hiển, ban hành nghị định là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng phải theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần làm thí điểm, có bước đi thận trọng, rút kinh nghiệm trước khi thực hiện toàn diện.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/bo-truong-tai-chinh-thu-tuc-hai-quan-khong-de-dai-ma-tuy-vao-qua-nhieu-duong_t114c67n154091