Bộ trưởng Trần Đăng Khoa để lại đức cho đời!

Trúng cử đại biểu Quốc hội ở Thừa Thiên, ngày 6/1/1946, cụ và gia đình ra Hà Nội. Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm cử vào làm Bộ Giao thông Công chính trong Chính phủ Liên hiệp (2/3/1946) thay cho cụ Đào Trọng Kim (Bộ trưởng Giao thông Công chính trong Chính phủ lâm thời).

Tuổi trẻ Đăng Khoa

Theo hẹn, tôi đến nhà riêng của bà Trần Thị Hoàng Ba - con gái đầu của cố Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, trên phố Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội. Điều bất ngờ là bà cùng vợ chồng người em trai út Trần Khánh Chi đang ngồi đợi tôi để kể chuyện về ba mình.

Làng Thế Lại Thượng thuộc kinh đô Huế một ngày mùa đông năm Bính Ngọ (1906), mưa phùn, gió bấc càng làm cái rét như dao sắc cắt vào da thịt, bà Nguyễn Thị Liên - vợ ông thợ sơn Trần Bá Liêm trở dạ sinh cậu con trai. Đêm ấy, không biết vì đâu chuông chùa Diệu Đế ba lần ngân vang. Ở Huế thường truyền tụng câu ca: Đông Ba - Gia Hội hai cầu/ Nhìn lên Diệu Đế, một lầu bốn chuông.

Những gia đình giàu có và quyền quý khi sinh con trai mà có tiếng chuông chùa báo hiệu thì họ rất mừng, cho là điềm tốt, con cái sẽ làm nên nghiệp lớn hưởng vinh hoa phú quý.

Cậu bé lớn lên, tuy gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con trai đi học ở trường làng. Cậu học giỏi nên được các thấy giáo quý mến đặt cho tên mới là Trần Đăng Khoa với hy vọng sau này sẽ đỗ đến đại khoa làm rạng rỡ cho làng xóm, cho trường học.

Bộ trưởng Trần Đăng Khoa trong Chính phủ (11/1946). (Tư liệu KMS)

Bà Trần Thị Hoàng Ba kể: Năm 1930, cha tôi vào Nha Trang phụ trách phòng kỹ thuật của cơ quan công chính miền Nam Trung Bộ, đặc biệt là các đường chiến lược Tây Nguyên như đường 14, đường 19.

Các hệ thống thủy lợi như hệ thống Phan Rang, hệ thống Tuy Hòa các hồ nước lớn như Cam Ly (Hồ Xuân Hương - Đà Lạt, Thủy Thiện (Bình Định), các trạm thủy điện như Ankoet (Đà Lạt), dự án công trình Đa Nhim (Dran - Kronpha), dự án cảng Cam Ranh, các công trình bảo vệ bờ biển, bờ sông, cùng nhiều công trình thủy lợi khác ở miền Nam Trung Bộ.

Các hệ thống cung cấp nước trong thành phố (Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột…), cùng nhiều công trình kiến trúc thành phố ở miền Nam Trung Bộ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền tỉnh Khánh Hòa được thành lập. Kỹ sư Trần Đăng Khoa được cử làm Ủy viên giao thông trong Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa, đồng thời vẫn phụ trách công chính miền Nam Trung Bộ. Sau đó kỹ sư Trần Đăng Khoa vào Ủy ban Kiến thiết Quốc gia gồm nhiều nhân sỹ trí thức tên tuổi trong cả nước: Đào Duy Anh, Lê Dung, Đặng Văn Hướng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Cao Luyện, Bùi Công Trừng, Nghiêm Xuân Yêm…

Thủy lợi làm đầu

Năm 1946 đầy biến động. Thực dân Pháp âm mưu tái chiếm Việt Nam bằng mọi giá. Chính phủ Hồ Chí Minh đã sử dụng mọi biện pháp ngoại giao để tránh một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra. Nhưng với bản chất hiếu chiến của những tên trùm thực dân, chúng ngày càng trắng trợn khiêu khích. Sau vụ thảm sát thường dân ở phố Hàng Bún, giờ phút nổ súng đã gần kề. Bà Trần Thị Hoàng Ba nhớ lại:

- 5h chiều 19/12/1946, cha tôi đã khóa cửa Bộ Giao thông Công chính ở phố Hàng Tre, Hà Nội. Lòng cha tôi bùi ngùi không biết bao giờ ông và gia đình lại trở về đây. Cha tôi lái một mình chiếc xe V8 đến nhà thú y ở Bạch Mai.

Cuộc sống mới nơi núi rừng vừa bắt đầu thì thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc thu đông năm 1947 hòng tiêu diệt đầu não của cuộc kháng chiến. Cụ Nguyễn Văn Tố - nguyên Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Cứu tế sa vào tay địch và đã hy sinh. Nhiều cơ quan bị thiệt hại nặng nề cả về người và của. Cuộc tấn công của địch không nhiều thì ít cũng làm cho nhiều người lo lắng, dao động.

Chính vì vậy mà mấy ngày sau khi cuộc "Tấn công Việt Bắc" mở màn, Chính phủ đã cử những Đặc ủy đoàn đi xuống các địa phương giải thích cho đồng bào, cán bộ, bộ đội hiểu rõ tính chính nghĩa và tất thắng của cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Bộ trưởng Giao thông Công chính Trần Đăng Khoa cùng với linh mục Phạm Bá Trực - Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn đã tham gia Đặc ủy đoàn đi hoạt động ở Liên khu 3.

Tám năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ, đêm 20/7/1954, khi đang ở trong một khu rừng trên đường Linh Cảm - Tân Ấp (Hà Tĩnh) thảo luận với các đồng chí ở tỉnh và công trường, về kế hoạch làm hai con đường chiến lược đi Napê và đi Thà Khẹc. Đêm khuya, Bộ trưởng Trần Đăng Khoa được Tỉnh ủy Hà Tĩnh báo cáo Hiệp định Geneva đã ký. Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt buộc thực dân Pháp phải đình chiến và công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

- Cha tôi vui mừng nói với anh em: "Thôi chúng ta không bàn chuyện làm đường nữa, bây giờ tôi phải lo thủy lợi. Trước tiên tôi phải lo hàn gắn hai cái đập bị địch phá vỡ là Bái Thượng và Thác Huống. Mai tôi phải đi ngay". Ngày sau cha tôi lấy một chiếc xe molotova đưa một số anh em kỹ sư lên Bái Thượng.

Thời làm công chức cho Pháp, cha tôi cùng nhiều đồng nghiệp tham gia thiết kế đập Bái Thượng nên cha tôi rất hiểu con đập này.

Với sự cố gắng của cha tôi cùng các anh em kỹ sư, hệ thống nông giang Thanh Hóa mở nước sớm hai ngày, bảo đảm nước tưới cho vụ chiêm của đồng bào. Đây là thắng lợi cả về kinh tế và chính trị. Bọn thực dân Pháp không ngờ là ta chỉ làm lại đập trong một vài tháng.

Ở Thanh Hóa ra, cha tôi lên Việt Bắc đến cùng anh em hàn gắn đập Thác Huống cũng bị địch đánh phá. Nhiều công trình thủy nông khác bị địch đánh phá trên miền Bắc cũng được sửa chữa khẩn trương và hoàn thành đúng thời hạn. Đến 1/1/1955, 12 hệ thống đại thủy nông trên miền Bắc bị tê liệt trong kháng chiến chống Pháp đã cung cấp nước trở lại cho đồng ruộng như trước, mặc dù còn có những bộ phận phải hoàn thành sau.

Đức để cho đời

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính quyền: Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (9/1955 - 4/1958); Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (4/1958 - 7/1960); kiêm nhiệm Giám đốc Học viện Thủy lợi (1960 - 1976); kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thủy… Đồng thời là một nhà trí thức yêu nước có nhiều đóng góp từ buổi đầu dựng nước, từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc, cụ Trần Đăng Khoa luôn dặn dò các con của mình:

- Cha chẳng để gì cho các con đâu, mà chỉ để lại cái đức, cha không bao giờ làm hại ai, sống một cuộc đời liêm khiết, nên lúc nào cũng chỉ đủ ăn thôi. Nhưng cha để lại cho các con một gia tài hết sức quý giá là kiến thức. Cha tạo mọi điều kiện để cho các con học tập tốt, sau này các con sẽ tự lập lấy!

Sáu người con của cụ Trần Đăng Khoa đã ghi lại và thực hiện đúng lời cha dặn, sau này họ đã trở thành những nhà khoa học có đóng góp đối với đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau: PGS chuyên ngành Dược Trần Thị Hoàng Ba - Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế; PGS - Nhà giáo ưu tú Trần Khánh Hà giảng viên Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; kỹ sư Nông nghiệp Trần Khánh Chi; TS Vật lý Trần Khánh Mai; Đại tá TS Vật lý Trần Khánh Lan; chuyên viên cao cấp Bộ Công thương Trần Thị Phương Thảo.

Tuy say sưa với chuyên môn nhưng kỹ sư Trần Đăng Khoa vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Cụ đã cùng nhiều đồng sự khác xây dựng Câu lạc bộ Thể dục thể thao Nha Trang, Hội Truyền bá Quốc ngữ và Hội Phật học tỉnh Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội… Ghi nhận những công lao và đóng góp của cụ, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng kỹ sư Trần Đăng Khoa (1906 – 1989) Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh (1989)...

KIỀU MAI SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bo-truong-tran-dang-khoa-de-lai-duc-cho-doi-post244930.html