Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nói không với nhập khẩu chất thải

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại việc nhập khẩu phế liệu có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác. Bộ trường trả lời cần rà soát lại danh mục nhập khẩu phế liệu và nói không với nhập khẩu chất thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 5/6. Ảnh: Quochoi.vn.

Nói không với nhập khẩu chất thải

Gần 2/3 thời gian sáng 5/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Liên quan đến nhập khẩu phê liệu, theo thống kê của cơ quan Hải quan, từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, cả nước có 928 DN nhập phế liệu, với 49.266 tờ khai. Trong đó, nhóm phế liệu nhựa có 407 DN, với 18.344 tờ khai; phế liệu giấy có 254 DN, với 11.187 tờ khai; phế liệu sắt thép có 369 DN, với 13.114 tờ khai.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) chất vấn: Trả lời đại biểu vào chiều qua (4/6), Bộ trưởng nêu quan điểm không chủ trương nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, thực tế việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua khá lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan có thời điểm trong 3 tháng, nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt phế liệu, tính bình quân 1 ngày hơn 11.000 tấn, có nguy cơ gây ô nhiễm và có nguy cơ biến nước ta thành một bãi công nghiệp, kể cả nhiễm xạ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng các nhà máy chế biến sắt, thép từ phế liệu gây ô nhiễm môi trường dẫn đến việc người dân bao vây nhà máy không cho sản xuất như tại Quảng Nam có Nhà máy Thép Việt Pháp, tại Đà Nẵng có Nhà máy Dana Ý, Dana Úc. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm để xử lý thực trạng trên?

Trước chất vấn trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc nhập khẩu phế liệu ngoài sắt, thép còn nhiều loại khác như túi nilon, nhựa, rất ô nhiễm.

“Tôi đồng tình với quan điểm chúng ta sẽ tính toán, riêng phế liệu sắt thép hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được môi trường. Thực tế các nhà máy áp dụng công nghệ hiện nay để luyện thép, cần kiểm soát chặt chẽ môi trường đặc biệt là khí thải. Trên thế giới, các lò công nghệ luyện từ thép phế liệu ở nhiều nước phát triển vẫn đang sử dụng”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Bộ trưởng trả lời thêm, ý kiến của đại biểu là nếu nhà máy đặt ở quy hoạch không đúng vị trí, tập trung vào các khu vực đông dân cư thì có những vấn đề, những lúc, thời điểm có thể xảy ra ô nhiễm môi trường.

“Như vậy, cần phải xem xét, bố trí thật phù hợp quy hoạch để vùng nào ít ảnh hưởng với người dân. Đồng thời tăng cường các biện pháp để kiểm soát, xử lý với khí thải. Về chủ trương chung, sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu. Hiện nay, một số nước đã nói không với nhập khẩu phế liệu, chúng ta sẽ xem cái nào là phế liệu, cái nào là chất thải để có lộ trình hợp lý. Tôi rất đồng tình Việt Nam không đủ năng lực công nghệ để xử lý chất thải, nên chúng ta sẽ phải nói không với nhập khẩu chất thải”- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời tiếp.

Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh giám sát việc tái xuất lốp ô tô đã qua sử dụng- được nhập khẩu theo loại hình kinh doanh TNTX. Ảnh: T.Bình.

Yên tâm với Formosa

Trong khi đó đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) và nhiều đại biểu quan tâm đến việc nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) được phép hoạt động có nguy cơ thế nào với vấn đề môi trường.

“Tôi muốn hỏi để không xảy ra sự cố đáng tiếc như thời gian vừa qua, Bộ trưởng có tin tưởng sẽ không xảy ra một lần nữa không?”- đại biểu đoàn Hải Dương chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Nói về Formosa với tư cách trước Quốc hội, chúng tôi đã cho hoạt động thì đến nay chúng ta đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường, công suất lớn hơn rất nhiều”.

Theo Bộ trưởng, công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường đối với Formosa được thực hiện trực tuyến và có đến 3 nấc đề phòng sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong phạm vi nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Bên cạnh đó, hiện nay hồ sinh học hoàn toàn có thể tái sử dụng nước, nước đạt loại A khi đổ ra môi trường.

“Với cách làm bài bản từ khâu xem xét đánh giá công nghệ, đến khâu giám sát kiểm tra và yêu cầu chặt chẽ khâu đó thì không có ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm nếu chúng ta làm tốt. Với Formosa tôi xin báo cáo như vậy để đại biểu yên tâm”- Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội.

Người nước ngoài không có quyền mua đất

Trong buổi chất vấn sáng nay, câu chuyện đất đai ở 3 địa bàn dự kiến thành đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) tiếp tục có nhiều đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chất vấn: Cử tri cho rằng, đất đai ở ba đặc khu vừa qua được mua bán rất phức tạp và đặc biệt là có yếu tố nước ngoài mua đất, đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu có thêm thông tin trước khi ấn thông qua dự án Luật Đặc khu?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua căn hộ chung cư tại các đô thị. Vừa rồi Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra và chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, chỉ mua căn hộ tại các chung cư đô thị.

“Nếu đại biểu thấy có người nước ngoài mua đất, xin báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi sẽ xác minh kiểm tra xem cách thức nào họ mua được. Nếu mua là trái pháp luật Việt Nam”- Bộ trưởng nhấn mạnh và đề nghị với đại biểu.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-truong-tran-hong-ha-noi-khong-voi-nhap-khau-chat-thai.aspx