Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ thêm nhiều nội dung Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Hôm nay (27/10), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Từ những ý kiến của đại biểu Quốc hội…

Đi thẳng vào nội dung, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phân tích, dự thảo luật mới chỉ điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh trong khi tên của luật là Luật Cạnh tranh. “Do đó, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh cả cạnh tranh và hạn chế cạnh tranh” – đại biểu đề nghị và bổ sung, cần nêu rõ cạnh tranh là gì sau đó mới đến hành vi hạn chế cạnh tranh.

Về quy định Tố tụng canh tranh trong dự thảo, ông Tám cho rằng, quy định như dự thảo tương tự như tố tụng hình sự hay dân sự trong khi hành vi hạn chế cạnh tranh chỉ là hành vi vi phạm trật tự hành chính. Từ quan điểm đó, ông Tám cho rằng, chỉ nên quy định trình tự xử lý hành chính đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, đồng thời, đổi tên Chương VII thành Trình tự xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh.

Đưa ra khả năng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có thể xung đột với các luật khác, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang Triệu Tài Vinh dẫn ví dụ về sự việc xung đột giữa những người nuôi giống ong ta tại Hà Giang với một số người nuôi giống ong nhập khẩu ở địa phương khác khi đưa đàn ong về địa bàn tỉnh này.

“Sự việc xảy ra, người đứng ra bảo vệ tự do thương mại, người khác lại nêu quan điểm cần bảo vệ tính đa dạng sinh học dẫn đến xung đột pháp lý kéo dài” – ông Vinh nói và quay trở lại Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), rằng, luật phải giải quyết được mối xung đột có thể có với các luật khác.

Chỉ ra trong Điều 11 quy định 10 khoản về hành vi hạn chế cạnh tranh, trong đó có hành vi Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, song trong thực tế còn có nhiều hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khác, như: Thỏa thuận ấn định giá, thỏa thuận tăng giá, giảm giá… chưa được đưa vào dự thảo, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung. Về quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia tham mưu, giúp Bộ Công Thương trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, nữ đại biểu đoàn Quảng Ngãi đề nghị bổ sung quy định chi tiết về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ… của cơ quan quan trọng này để đảm bảo tính độc lập và hiệu lực.

… Đến giải trình chi tiết của đại diện Cơ quan soạn thảo

Tại phiên thảo luận, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã làm rõ từng nội dung các đại biểu còn băn khoăn. Khẳng định tầm quan trọng của Luật Cạnh tranh, Bộ trưởng so sánh: “Có thể xem Luật Cạnh tranh là “hiến pháp” của nền kinh tế thị trường bởi nguyên tắc nền tảng để hướng đến kinh tế thị trường là bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì Luật Cạnh tranh càng trở nên quan trọng”. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn hơn 12 năm tổ chức thực hiện Luật Cạnh tranh năm 2004, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ thêm từng vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, cụ thể về phạm vi điều chỉnh quy định trong Dự án luật, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, cạnh tranh là nền tảng, là động lực phát triển của kinh tế thị trường, nên không đưa khái niệm cạnh tranh mà chỉ quy định các hành vi phản cạnh tranh, hạn chế cạnh tranh vào luật là phù hợp. Từ quan điểm đó, Bộ trưởng khẳng định, Dự thảo luật đã quy định cơ bản đầy đủ các đối tượng, hành vi phản cạnh tranh, hạn chế cạnh tranh, trong đó có cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến quy định về Tố tụng canh tranh và Cơ quan cạnh tranh quốc gia, Người đứng đầu Bộ Công Thương phân tích, quy định trong Dự thảo luật là tổng hòa của cả quy định hành chính và tố tụng, thanh tra và bản chất hoạt động tố tụng cạnh tranh là hoạt động bán tư pháp. Do đó, nếu chỉ quy định theo hướng xử lý hành chính sẽ không đảm bảo giá trị, hiệu lực pháp lý cần thiết.

“Qua khảo sát 100 quốc gia trên thế giới, có 45 quốc gia có cơ quan quản lý canh tranh trực thuộc Chính phủ; 21 quốc gia khác có cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Quốc hội, còn lại là trực thuộc Bộ” – dẫn số liệu khảo sát, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Ban soạn thảo đã đề xuất Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ để đảm bảo tính độc lập trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, sau khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo nhận được ý kiến chỉ đạo theo hướng không làm tăng biên chế, tăng đầu mối cơ quan nên Ban soạn thảo đưa ra quy định Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương. Đi kèm đó, Ban soạn thảo đã và đang hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành đảm bảo tính độc lập, hiệu quả của Cơ quan cạnh tranh quốc gia.

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tư, ngày 15/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tại kỳ họp này, Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Luật này.

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-lam-ro-them-nhieu-noi-dung-du-thao-luat-canh-tranh-sua-doi-94823.html