Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tuyên Quang cần chủ động kết nối để tăng dung lượng thị trường

Ngày 8/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Sau khi nghe những đề xuất, kiến nghị, Bộ trưởng đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Huấn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang - đưa 4 nội dung kiến nghị liên quan đến: Di dân, tái định cư Dự án Thủy điện Tuyên Quang, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia bằng nguồn vốn ODA, Dự án Nhà máy bia Hà Nội, cổ phần hóa Công ty Thủy điện Tuyên Quang… Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng đề nghị được hỗ trợ trong các lĩnh vực: Phát triển thương mại, quảng bá, xúc tiến hàng hóa, đào tạo nghề và xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác di dân, tái định cư của Dự án Thủy điện Tuyên Quang, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác di dân nếu làm không thấu đáo sẽ dẫn đến bức xúc của người dân, để lại hậu quả tiêu cực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp tiếp tục làm đầu mối, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, thống nhất nguồn kinh phí từ nguồn vốn xem xét cấp bổ sung cho EVN, phê duyệt cho dự án. Ngoài ra, Tuyên Quang khẩn trương gửi đề xuất bằng văn bản, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các nội dung dự án gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN, báo cáo chính thức với Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Trước đề nghị của Tuyên Quang: "Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA do EU tài trợ, đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn vốn ODA để triển khai thực hiện Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Nguồn vốn do EU tài trợ đã có. Bộ Công Thương đang tìm kiếm thêm nguồn vốn ODA, WB, ADB để bù vào phần vốn còn thiếu. Khi đủ vốn, Bộ sẽ căn cứ vào yêu cầu và đặc thù của Tuyên Quang để phân bổ.

Đối với việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Tuyên Quang 6 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2017, Bộ trưởng nêu vấn đề: Tuyên Quang là 1 trong 5 tỉnh, thành phố xếp cuối cùng về sản xuất hàng hóa, tổng mức bán lẻ, xuất khẩu… trong số 14 tỉnh, thành phố trung du, miền núi phía Bắc. Thực tế này cho thấy, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, Tuyên Quang phải nỗ lực rất nhiều. Thời gian tới, tỉnh cần tập trung chỉ đạo các sở, ngành giải phóng nguồn lực, hoàn thiện năng lực thể chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư… Đặc biệt, chú trọng kết nối vùng, miền, khu vực để mở rộng dung lượng thị trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao các cục, vụ của Bộ Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ Tuyên Quang xây dựng giải pháp, chương trình đồng bộ, phát triển hạ tầng thương mại bền vững; tạo điều kiện để doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển hệ thống phân phối địa phương; kết nối thị trường Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố cả nước… "Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cần linh hoạt, chủ động để thực hiện tốt nhất trách nhiệm và vai trò của mình" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Ông Chẩu Văn Lâm – Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang - cho biết, sẽ giao các đơn vị liên quan chủ động phối hợp, đề xuất, xin ý kiến các cục, vụ của Bộ Công Thương nhằm sớm giải quyết những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại của địa phương.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bo-truong-tran-tuan-anh-tuyen-quang-can-chu-%C4%91ong-ket-noi-%C4%91e-tang-dung-luong-thi-truong-12740-22.html