Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Giữ cho không gian mạng lành mạnh là việc của chúng ta và vì chính chúng ta'

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: 'Chúng ta cùng sống, cùng thở trên không gian này nên việc giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là việc của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta. Nên đây là việc trong nhà'.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là việc của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là việc của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta.

Phát biểu tại buổi làm việc Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới chiều 25/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Gần đây, chúng ta nghe rất nhiều về kinh tế số. Nhiều nước đã thiết lập một bộ mới, gọi là bộ kinh tế số, nhiều nước thì đổi tên Bộ Thông tin truyền thông thành Bộ Kinh tế số, như Thái Lan.

Các quốc gia G20 thì giao cho các bộ ban ngành: 60% giao cho cho Bộ Thông tin truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học công nghệ. Nếu Việt Nam làm theo hướng của G20 thì Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.

Nền tảng nội dung số Việt Nam, trong một giai đoạn khá dài không được nhắc đến nhiều, nhưng trong thời gian gần đây thì rất được quan tâm. Thậm chí Bộ thông tin truyền thông đã thành lập một bộ phận chuyên về phát triển nền tảng xã hội số Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Chúng ta cùng sống, cùng thở trên không gian này nên việc giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm".

Bất kỳ một quốc gia nào khi phát triển cũng phải đi hai chân. Có câu chuyện toàn cầu, có câu chuyện địa phương. Có câu chuyện nền tảng xuyên biên giới nhưng cũng có câu chuyện nền tảng địa phương. Có những nội dung, có những ứng dụng mà chỉ có thể do những nền tảng địa phương thực hiện. Những nền tảng địa phương này có thể sẽ đi ra toàn cầu được, nhưng bất kỳ một sự phát triển nào cũng cần phải cân bằng được hai yếu tố này.

Vấn đề hôm nay chúng ta đặt ra là vấn đề được xã hội quan tâm rất sâu sắc. Loài người đang chứng kiến sự chuyển đổi vĩ đại trong suốt hàng chục nghìn năm lịch sử, đó là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới ảo, có người gọi là thế giới số, không gian mạng.

Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về vấn đề hiện nay, những gì đang diễn ra là cuộc sống đi vào thế giới ảo nhanh hơn, nhưng pháp luật lại đi chậm hơn. Văn minh trên không gian mạng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta đang có độ trễ, thiếu sự song hành giữa cuộc sống, luật pháp và văn minh trên không gian mạng, chính vì thế nảy sinh rất nhiều nguy cơ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Chúng ta cùng sống, cùng thở trên không gian này nên việc giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là việc của mỗi chúng ta và cũng là vì chính chúng ta. Nên đây là việc trong nhà".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, một doanh nghiệp muốn thịnh vượng lâu dài ở đâu thì phải song hành với sự thịnh vượng của xã hội, đất nước đó. Không thể có chuyện doanh nghiệp thịnh vượng mà nhà nước lụi bại, vì đất nước chính là mảnh đất nuôi sống doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dù là trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật nước sở tại.

Đặc biệt là những người đã đưa doanh nghiệp của mình ra nước ngoài, sẽ là những người hiểu sâu sắc nhất việc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Đó là điều kiện tiên quyết nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào ra nước ngoài, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng và hòa bình. Không gian ảo cũng như đời thực, đều phải làm sao cho nhà mình sạch, lành mạnh. Đó là câu chuyện mà chúng ta cần chung tay để thực hiện.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, trong hai năm vừa qua, Google đã hợp tác tích cực·với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Bộ. Qua rà soát của Bộ TT&TT, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.

Tính đến ngày 25/6/2019, Cục PTTH & TTĐT phát hiện có khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Mặc dù trong thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục PTTH & TTĐT nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng trên là bởi bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.

Anh Tuấn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-giu-cho-khong-gian-mang-lanh-manh-la-viec-cua-chung-ta-va-vi-chinh-chung-ta-358838.html