Bộ trưởng Y tế nói về phát triển y tế cơ sở

Tâm lý chung của bệnh nhân và người nhà là muốn khám bệnh, chữa bệnh tại những bệnh viện lớn hoặc bệnh viện tuyến trung ương vì thiếu sự tin tưởng vào y tế cơ sở.

Giảm tải bệnh viện (BV) luôn là vấn đề cấp bách của ngành y tế. Mặc dù 20 năm qua đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng để đạt được mục tiêu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng phát triển y tế cơ sở trong thời điểm hiện nay là then chốt.

Nhiều biện pháp giảm tải bệnh viện

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng quá tải BV tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1997 và ngày càng trầm trọng. Đến những năm 2010-2013, quá tải cao xuất hiện ở cả các BV từ tuyến địa phương đến trung ương. Cụ thể, công suất sử dụng giường bệnh chung của các BV trung ương năm 2009 là 116%, năm 2010 tăng lên 120% và năm 2011 tăng 118%. Các BV lớn như Bạch Mai: 168%, K: 249%, Chợ Rẫy: 154%... Tuy nhiên, tình trạng quá tải diễn ra không đồng đều giữa các chuyên khoa. Một số chuyên khoa có mức độ quá tải cao hơn cả là ung bướu, tim mạch, chấn thương-chỉnh hình, sản, nhi… dẫn tới giảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh.

Do đó Bộ Y tế đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án giảm tải BV trình Thủ tướng phê duyệt. Sau năm năm thực hiện đề án, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện tình trạng quá tải BV đã giảm đáng kể so với năm 2012-2013. Phần lớn BV không còn tình trạng người bệnh phải nằm ghép, điển hình như BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), BV Chợ Rẫy (TP.HCM) luôn đảm bảo mỗi người bệnh được nằm một giường hoặc cáng dù khoảng cách giữa các giường còn hạn chế. 95% BV tuyến trung ương đã đảm bảo không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Cạnh đó, số giường bệnh theo kế hoạch đã được tăng thêm khá nhiều, tỉ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên giảm đáng kể. Ngành y tế cũng đã thành công trong phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động mạng lưới BV vệ tinh. Đến nay đã có 23 BV hạt nhân (14 BV trực thuộc trung ương, tám BV trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và một BV trực thuộc Sở Y tế TP Hà Nội) cùng 119 BV vệ tinh tại 63 tỉnh.

“Để có sự ổn định và phát triển lâu dài, tôi tiếp tục phê duyệt đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trung ương, BV tuyến cuối của Hà Nội và TP.HCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2018-2020. Đây là đề án thí điểm áp dụng cho 26 trạm y tế của tám tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Người dân các nơi này sẽ được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở” - Bộ trưởng Tiến cho biết.

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Y tế cơ sở là “người gác cổng”

Trên thực tế, tâm lý chung của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chỉ muốn khám bệnh, chữa bệnh tại những BV trung ương, BV lớn do chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở. Đây cũng chính là khó khăn lớn phải giải quyết của ngành y tế nếu muốn đạt được mục tiêu giảm tải.

“Chúng ta có may mắn là từ lâu mạng lưới y tế cơ sở đã được phát triển rộng khắp. Theo thống kê, trên 96% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, 98,8% xã có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Các huyện đều có BV đa khoa, trung tâm y tế đa chức năng” - Bộ trưởng Y tế chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Kim Tiến, trong một thời gian dài, nhận thức và hành động của các cấp chính quyền địa phương chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều nơi chưa thực sự coi y tế cơ sở, y tế dự phòng là gốc. Cơ chế chính sách cho y tế cơ sở chưa phù hợp đã dẫn đến chất lượng y tế cơ sở hạn chế, nhiều nơi còn yếu kém. Chính vì vậy, khi có bệnh người dân thường đến thẳng BV tuyến trên, vừa gây quá tải cho BV tuyến trên, vừa tốn kém tiền bạc của người bệnh.

“Trước tình hình đó, ngành y tế đã trình đề án xây dựng và phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng kỳ họp thứ VI, khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, nghị quyết tiếp tục khẳng định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ cho y tế cơ sở, tạo niềm tin cho người dân đến với y tế cơ sở, nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả nhất” - Bộ trưởng cho biết thêm.

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế đã hoàn thành việc đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã điểm về cơ sở hạ tầng, bổ sung đủ danh mục trang thiết bị. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ trạm y tế về nguyên lý y học gia đình. Cùng với đó là ban hành mới và sửa đổi một số cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy vai trò là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe, có uy tín và chất lượng.

Kế hoạch của chúng tôi là phát triển trạm y tế xã trở thành vệ tinh của BV trung ương, BV tuyến cuối. Bộ phân công nhiệm vụ cho các BV trung ương, BV tuyến cuối định kỳ cử bác sĩ chuyên môn cao về hỗ trợ trạm y tế, trực tiếp khám sức khỏe cho người dân trong xã. Ngoài ra, Bộ sẽ kết nối hệ thống tư vấn từ xa (truyền qua hình ảnh trực tiếp như màn hình tivi, máy tính, iPad, điện thoại di động) để chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ trạm y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và niềm tin của người dân vào y tế cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/bo-truong-y-te-noi-ve-phat-trien-y-te-co-so-792198.html