Bộ TT&TT sẽ dựa trên nhu cầu của đất nước để đặt hàng cho các doanh nghiệp CNTT

Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ TT&TT sẽ dựa trên các nhu cầu của đất nước từ đó định hướng, đặt hàng cho các doanh nghiệp CNTT. Nhiều doanh nghiệp lớn có vốn, có nhân sự mong muốn phụng sự Tổ quốc, họ chỉ chờ nhà nước đặt hàng để thực hiện.

Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 9 năm 2018

Chiều ngày 11/10/2018, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 9 năm 2018. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng của Bộ; lãnh đạo 63 Sở TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 66 điểm cầu trên toàn quốc.

Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả tích cực, những tồn tại của công tác quản lý nhà nước trong tháng 9/2018, đồng thời đề ra các giải pháp, mục tiêu cần thực hiện trong tháng 10/2018; chú trọng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trong ngành, gồm 6 lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, An toàn thông tin, Công nghiệp ICT, Báo chí- PTTH-Xuất bản.

Tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng đã phân tích: Bộ phải xây dựng khung pháp lý cho từng lĩnh vực do Chính phủ giao hoặc nằm trong kế hoạch của Bộ. Các cơ quan, đơn vị của Bộ cần thường xuyên nắm bắt xem các đối tượng quản lý và người dân gặp khó khăn gì và phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc này ra sao.

Các văn bản pháp luật chính là công cụ để thúc đẩy các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ phát triển lành mạnh, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về mảng KHCN, tiêu chuẩn, công nghiệp CNTT, hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư được Chính phủ giao xây dựng Chiến lược quốc gia 4.0. Quyền Bộ trưởng giao Vụ KHCN là đầu mối về 4.0 và khẳng định Bộ TT&TT cần xây dựng phiên bản riêng về chiến lược 4.0 cho đất nước. Vụ KHCN cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về 4.0 và tham khảo ý kiến của các Sở TT&TT.

Về chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0, trong tháng 10, Vụ KHCN cần đưa ra những ý kiến đóng góp cho Chỉ thị này.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, về sáng kiến hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN có tên gọi “ASEAN - Roam Like Home", Quyền Bộ trưởng yêu cầu Vụ HTQT phối hợp Cục Viễn thông lên kế hoạch chi tiết trước tiên triển khai roaming 5 nước tiểu vùng sông Mekong trước gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan.

Liên quan đến công nghiệp CNTT, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò của Bộ TT&TT là dựa trên các nhu cầu của đất nước từ đó định hướng, đặt hàng cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp lớn có vốn, có nhân sự mong muốn phụng sự Tổ quốc, họ chỉ chờ nhà nước đặt hàng để thực hiện. Có như vậy, Bộ TT&TT mới trở thành Bộ dẫn dắt về công nghệ của đất nước.

Trong lĩnh vực CNTT, đại diện Cục Tin học hóa báo cáo tình hình xây dựng văn bản pháp luật trong đó có việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 102 về đầu tư trong lĩnh vực CTTT trong các cơ quan nhà nước và dự thảo văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn triển khai Quyết định 80 về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước hướng tới mục tiêu giải quyết hai vấn đề lớn: Rút ngắn quy trình đầu tư và xây dựng riêng định mức cho ngành CNTT.

Riêng đối với Quyết định 80, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo tham vấn thêm ý kiến của các lãnh đạo Sở TT&TT và lãnh đạo các địa phương và một số Bộ triển khai rộng rãi dịch vụ CNTT như Bộ Y tế. Đây là những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng của các văn bản pháp luật nên cần có tiếng nói của họ về những khó khăn khi triển khai.

Trong mảng An toàn thông tin, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo Cục An toàn thông tin chủ động lấy ý kiến của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và nước ngoài, từ đó tổng hợp các ý kiến để chuyển các bộ liên quan.

Về phân định nhiệm vụ giữa VNCERT và Cục ATTT, đại diện hai đơn vị này cho biết đã làm việc với nhau và thống nhất: VNCERT giám sát hệ thống dịch vụ CNTT phục vụ chính phủ điện tử, còn Cục ATTT giám sát không gian mạng và hệ thống thông tin quan trọng. Riêng đối với những hệ thống chính phủ điện tử cấp 4 và 5 (là những HTTT quan trọng), hai đơn vị sẽ cùng giám sát.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn tối thiểu về nhân lực CNTT, ATTT chuyên trách tại các Sở TT&TT. Quyền Bộ trưởng nhất trí với đề xuất này và chỉ đạo cần ban hành ngay các tiêu chuẩn về kỹ năng cơ bản cho nhân lực CNTT, ATTT tại các tỉnh, đưa lên Bộ đào tạo và cấp chứng chỉ nội bộ cho họ; Ban hành văn bản đến tất cả các Bộ ngành, địa phương danh mục các phần mềm diệt virus của Việt Nam được Bộ TT&TT xác nhận đảm bảo ATTT. Danh mục này cần được hoàn thành và ban bố ngay trong tuần tới.

Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nên thường xuyên có các cuộc họp giao ban định kỳ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý, từ đó nắm được các khó khăn, vướng mắc của họ nhằm giúp họ giải quyết. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thông tin lên trang web về các kinh nghiệm hay, tốt của quốc tế để các doanh nghiệp có thể học hỏi, nắm bắt, vận dụng.

Trong lĩnh vực Viễn thông, đại diện Cục Viễn thông cho hay, đã hoàn thành việc chuyển đổi mã mạng thuê bao di động 11 số về 10 số mà không có sự cố nào phát sinh.

Cục Viễn thông đang làm việc với Bộ Tài chính đề xuất ban hành giá cước trung bình theo Nghị định 25 và đang nghiên cứu đề xuất của các nhà mạng điều chỉnh mức trần khuyến mại cho thuê bao trả trước từ mức 20% hiện nay lên 50%.

Về chuyển mạng giữ số, Cục Viễn thông cho biết các nhà mạng lớn đã sẵn sàng triển khai, GMobile cho biết không tham gia còn Vietnammobile sẽ sẵn sàng từ 1/1/2019. Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng chỉ đạo giữ đúng tiến độ triển khai kế hoạch chuyển mạng giữ số.

Liên quan đến 5G, Bộ TT&TT sẽ ban bố kế hoạch phát triển 5G vào ngày 1/1/2019. 5G là sự kết nối dữ liệu giữa vật với vật, do đó Quyền Bộ trưởng chỉ đạo cần tham khảo ý kiến các doanh nghiệp IoT khi xây dựng các chính sách về 5G. Đồng thời Quyền Bộ trưởng cũng lưu ý Cục Tần số khi lựa chọn tần số 5G cần lưu ý đến bài toán đầu tư, kinh tế.

Hội nghị cũng đã đề ra mục tiêu và bàn các giải pháp triển khai, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT, ATTT; Dự báo nguồn nhân lực ICT hàng năm; Sản xuất chip, phát triển mạng xã hội của Việt Nam; Tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi của đất nước trước việc vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook; Thực hiện Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2030; Thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất đúng tiến độ; Tiếp tục triển khai Đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025

Theo MIC

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/thoi-su/bo-tt-tt-se-dua-tren-nhu-cau-cua-dat-nuoc-de-dat-hang-cho-cac-doanh-nghiep-cntt-173662.ict