Bộ Tư pháp trả lời nhiều vấn đề nóng trong công tác quý III và tháng 10

Chiều 29/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác quý III và tháng 10/2018, một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2018. Tại đây, nhiều vấn đề thời sự liên quan đến các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đã được giải đáp cho các cơ quan báo chí.

Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thẩm định 65 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 9 đề nghị xây dựng VBQPPL; kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương và bước đầu đã phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dụng, thẩm quyền. Bộ đã ban hành kế hoạch, có công văn đề nghị các bộ, cơ quan và các tỉnh thành phố xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra, đồng thời kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có liên qua đến việc ban hành văn bản trái pháp luật.

Ở các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm; bổ trợ tư pháp… ngành tư pháp cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đồng hành cùng chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đặc biệt, để giải quyết vấn di cư tự do, quốc tịch, hộ tịch của người dân vùng biên giới giữa Việt Nam – Lào, trong tháng 9/2018, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an thí điểm thành lập Đoàn công tác về địa phương trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - một điểm nóng về tình trạng không giấy tờ tùy thân của người di cư tự do Lào sang Việt Nam sinh sống nhiều năm. Đoàn công tác đã giải quyết được 114 hồ sơ, số lượng còn lại sẽ được giải quyết trước tháng 6/2019.

Báo cáo cho thấy, công tác thi hành án dân sự năm 2018 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 571.708 việc trong tổng số 711.990 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,3% (tăng 1,05% so với cùng kỳ năm 2017); với số tiền thi hành xong là 34.500 tỷ, đạt tỷ lệ 38,35% (tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2017).

Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án dân sự liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: A.B)

Tại cuộc họp báo, đại diện của các đơn vị chuyên môn cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc xử lý trách nhiệm khi ban hành văn bản trái pháp luật, khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định, thực tiễn pháp lý và hướng đề xuất giải quyết vấn đề tiền ảo, tài sản ảo…

Một nội dung được báo chí quan tâm là việc xử phạt hành chính 90 triệu đồng với anh Nguyễn Cà Rê (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Trả lời câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, việc xử phạt đã căn cứ vào Nghị định 96/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và mức xử phạt là đúng quy định của pháp luật. Bà Phương cho biết, Cục sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư Pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Nghị định 96, trong đó sửa quy định mức xử phạt theo hướng phạt khác nhau căn cứ trên số lượng và giá trị tang vật.

Đối với kết quả cụ thể của một số vụ án dân sự, Bộ Tư pháp cũng biết, vụ Nguyễn Đức Kiên đã thi hành xong toàn bộ các khoản phải thi hành án, gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ; vụ Phạm Công Danh đã thi hành xong hơn 5.230 tỷ đồng (đạt 45%), các khoản còn lại cơ quan thi hành án đang phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định, bán đấu giá tài sản đã kê biên. Đối với vụ Giang Kim Đạt, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan xử lý các tài sản. Hay vụ Hà Văn Thắm, cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành xử lý tài sản đã thu giữ, kê biên, phong tỏa trong giai đoạn điều tra gồm quyền sử dụng đất, nhà, cổ phần, cổ phiếu.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV, ông Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ triển khai tốt các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ phân công các cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt đối với dự thảo văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018.

Bộ Tư pháp hiện đang tích cực chuẩn bị Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật ,ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỹ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn bản”. Cùng với Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, ở các bộ, ngành, địa phương đều có nhiều hoạt động như Ngày pháp luật Khu vực biên giới hải đảo, Ngày pháp luật trong quân đội và các hoạt động tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật.

A.B

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bo-tu-phap-tra-loi-nhieu-van-de-nong-trong-cong-tac-quy-iii-va-thang-10-80544.html