'Bỏ túi' hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá bớp

Từ bờ biển Gành Dầu (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) nhìn ra chừng hơn nửa cây số, có thể thấy lấp ló những lồng bè nuôi cá bớp lênh đênh trên biển. Những mái chòi canh xác xơ vì gió biển có vẻ 'tiêu điều' ấy lại là bệ phóng giúp nhiều người dân từng bước vươn lên làm giàu.

NhẫnCán bộ Đồn Biên phòng Gành Dầu tuyên truyền cho bà con cách nuôi cá bớp hiệu quả và giữ gìn vệ sinh môi trường biển. Ảnh: Hồ Phúc

Từ bến tàu Bãi Vòng, ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy, chúng tôi mới đến được xã Gành Dầu, nơi đang phát triển mạnh nghề nuôi cá bớp. Trên chiếc ghe đưa tôi ra các bè cá của ngư dân đang nuôi tại khu vực ven biển ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, Trung úy Nguyễn Quán Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Gành Dầu (Đồn Biên phòng Gành Dầu) chia sẻ: “Khu vực ven biển ấp Chuồng Vích có 20 bè nuôi cá bớp. Bà con nuôi cá ở đây đều có nhà trên đất liền, nhưng họ lại chủ yếu sống lênh đênh trên những chòi, lán ở các bè cá nhà mình. Mấy lần ra đây hỏi thăm bà con, nhiều người còn nói đùa với mình rằng, ở trên này ngủ đong đưa quen rồi, giờ lên bờ ngủ không quen...”.

Chỉ mất hơn 10 phút ngồi ghe luồn qua các khu vực bãi đá cạn gần bờ chúng tôi đến được bè cá của ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1977). Thấy có khách đến, ông Chiến đang chuẩn bị thức ăn cho cá vội rửa tay để đón tiếp. Dẫn chúng tôi ra thăm bè của mình, chỉ tay vào những đàn cá bớp vẫy vùng tranh ăn, nước văng tung tóe, ông Chiến cho biết: “Cuộc sống gia đình tôi lênh đênh trên biển đã hơn 15 năm. Trước đây, khi chưa làm nghề này, vợ chồng tôi làm thuê trên các phương tiện đánh bắt trên biển, khi tiết kiệm đủ tiền thì mua một chiếc ghe. Chúng tôi lấy hàng tạp hóa rồi lái đi bán cho bà con quanh khu vực này. Chừng hơn 3 năm trở lại đây, khi tích góp được số vốn kha khá, vợ chồng tôi quyết định đầu tư nuôi cá lồng bè. Xuất phát điểm của bè cá là 4 lồng, nhưng sau mỗi đợt thu hoạch, tôi lại lấy số tiền lời đó đầu tư thêm các lồng khác, đến nay, bè của tôi có 30 lồng nuôi cá bớp”.

Cũng theo ông Chiến, khi vợ chồng ông quyết định chuyển sang nuôi cá bớp, ngoài kinh nghiệm sống ở biển bao năm, ông còn cất công đi học hỏi kinh nghiệm của ngư dân ở các vùng khác. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, bè cá của gia đình ông phát triển mạnh, với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ về việc nuôi cá bớp, ông cho biết: “Trong việc chăm sóc cá, tốt nhất nên cho ăn một ngày hai lần vào sáng và chiều. Vất vả nhất là khi đưa con giống về nuôi, rồi hàng tuần phải vớt lên tắm nước ngọt cho cá, đến khi mỗi con chừng 2kg mới ngừng tắm. Việc tắm cá bằng nước ngọt và thay lồng mới cho cá nhằm hạn chế mầm bệnh và cá sẽ phát triển tốt hơn. Đặc biệt, trong quá trình nuôi phải thường xuyên san thưa và phân cỡ đàn cá có kích cỡ đồng đều để chúng mau lớn. Loại cá này hợp với đặc điểm vùng biển bình yên và nguồn nước không bị ô nhiễm. Nuôi ở đây thức ăn cho cá bớp sẵn lắm. Đó là những loài cá biển nhỏ, ít giá trị, tôi thu mua vào mỗi buổi sáng từ các phương tiện đi đánh bắt trở về. Năm 2017, vợ chồng tôi bán cá bớp thành phẩm được hai đợt, mỗi đợt hơn 2 tấn, lời được gần 400 triệu đồng”.

Mặc dù trên địa bàn xã Gành Dầu, gia đình ông đã có nhà, nhưng vì hằng ngày túc trực ở bè cá nên ông bà cho thuê lại. Chỉ tay về căn chòi dựng liền với bè cá, ông Chiến vui vẻ nói: “Mỗi lần lên bờ chỉ là lúc lấy thức ăn và các vật dụng sinh hoạt, chứ ngày đêm vợ chồng tôi đều ở trong căn chòi này. Ngủ lắc lư quen rồi, giờ lên bờ khó ngủ lắm...”. Lau những giọt mồ hôi trên trán, ông nói tiếp: “Việc nuôi cá bớp rất vất vả, sợ nhất là dịch bệnh, rồi lại phụ thuộc vào thời tiết, giá cả lên xuống thất thường. Để đảm bảo vụ mùa thành công, chúng tôi luôn phải chú trọng việc chọn địa điểm nuôi cá sao cho đảm bảo an toàn, chẳng may gặp thời tiết xấu, cá vẫn có nguồn nước tốt nhất mà phát triển. May mắn là vụ này cá mau lớn lại ít bệnh, giá cao, nên chắc sẽ lời nhiều”.

Cách bè cá ông Chiến chừng 200m là bè cá của ông Nguyễn Kiều (sinh năm 1975), trú tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), một hộ dân từng có 8 năm nuôi cá bớp bằng lồng bè. Khoảng thời gian theo nghề nuôi cá bớp cũng không ít lần ông Kiều phải điêu đứng vì thua lỗ. Nhưng với nỗ lực, ý chí vươn lên, cộng với vốn kinh nghiệm mình học hỏi được, ông Kiều ngày càng đầu tư nhiều vào phát triển bè cá. Đến nay, bè cá của ông Kiều có hơn 15 lồng nuôi cá bớp, mỗi năm trừ chi phí thức ăn, nguồn giống, ông Kiều thu về gần 200 triệu đồng.

Những lồng bè nuôi cá bớp của ngư dân ấp Chuồng Vích. Ảnh: Hồ Phúc

Ông Kiều chia sẻ về nghề nuôi cá bớp: “Một trong những việc quan trọng đầu tiên là con giống. Con giống nên mua tại trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng. Nuôi cá bớp từ con giống sinh sản nhân tạo, khó nhất là 2 tháng nuôi đầu tiên. Lúc này, thức ăn cho cá phải là cá tươi cắt nhỏ, cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát, khi cá còn nhỏ không nên cho cá ăn quá no để tránh trường hợp cá bị bệnh đường ruột như trướng bụng, nhiễm trùng đường ruột. Lứa cá này của tôi sau hơn 5 tháng thả con giống, đến nay phát triển rất tốt. Mong rằng mùa thu hoạch năm nay sẽ được bội thu”.

Những năm qua, bên cạnh nghề đánh bắt thủy sản truyền thống và các dịch vụ để phát triển du lịch thì nuôi cá lồng bè chính là mô hình kinh tế đang sinh lợi cho người dân địa phương nơi đây. Với đặc điểm vùng biển bình yên và nguồn nước không bị ô nhiễm, các đảo thuộc vùng biển Phú Quốc nói chung và khu vực biển Tây Nam nói riêng nghề nuôi cá lồng bè đang phát triển mạnh. Việc đầu tư nuôi cá bớp bằng hình thức này đã mang lại cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trung úy Nguyễn Quán Mạnh cho biết: “Bà con nuôi cá ở khu vực ấp Chuồng Vích đoàn kết lắm. Mỗi lúc rảnh rỗi, mấy chủ bè cá gần nhau thường ngồi lại rồi chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về cách nuôi, cách trú tránh khi không may gặp thời tiết xấu. Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Gành Dầu cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ môi trường biển, nhờ đó mà mỗi hộ nuôi cá đều có ý thức rất tốt trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả các rác thải bà con đều gom vào túi và đưa vào bờ để mang ra bãi rác”.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bo-tui-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-nho-nuoi-ca-bop/