Bỏ vị trí nhiều người mơ ước ở Sài thành, cô gái lên núi khởi nghiệp

Có công việc ổn định tại TP. Hồ Chí Minh gần 20 năm, nhưng Đoan Thục lại quyết định lên núi để lập nghiệp với niềm đam mê từ sản phẩm thủ công.

Đoan Thục quyết định bỏ nghề kỹ sư công nghệ lên núi khởi nghiệp bằng nghề thủ công.

Đinh Lý Đoan Thục (SN 1981) quê ở thị trấn Dran, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, cô trở thành kỹ sư công nghệ in làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Đoan Thục đã quyết định bỏ việc trở về quê hương Lâm Đồng để làm những gì tôi thích.

Từ bỏ công việc ổn định

Đoan Thục cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã rất thích những việc làm thủ công, tuy nhiên lớn lên lại trở thành kỹ sư công nghệ in. Ra trường, làm đúng ngành nghề được học, nhưng đâu đó trong tôi vẫn muốn làm những việc mà tôi yêu thích từ bé”.

Chia sẻ về quyết định bỏ nghề để quay lại với niềm đam mê lúc nhỏ, Thục nói: “Sau nhiều năm đi làm ở Sài Gòn, tôi có một vị trí nhất định ở một công ty lớn. Nhưng dường như tôi không là tôi, làm việc nhưng không hạnh phúc, mặc dù công việc làm khá tốt. Do đó, tôi đã quyết định trở về quê làm sản phẩm thủ công”.

“Trở về quê hương lập nghiệp ở tuổi 36 không có gì là muộn. Khi trở về quê hương lập nghiệp, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Khi mới bắt đầu, công việc đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu có đam mê và cố gắng bạn sẽ thành công" - Đoan Thục chia sẻ thêm.

Hạnh phúc khi theo đuổi được đam mê

Đoan Thục cho biết: “Việc khởi nghiệp với macrame (nghệ thuật trang trí bằng cách thắt nút tạo hoa văn-PV) đến với tôi một cách tình cờ. Trước đây, do yêu thích cây cỏ hoa lá và trồng khá nhiều trong nhà, không gian ngôi nhà lại nhỏ nên tôi tìm hiểu cách treo chúng lên bằng các giỏ treo macrame. Không ngờ khi lên Đà Lạt, macrame lại trở thành sản phẩm lạ, được nhiều người yêu thích, nên tôi quyết định làm và kinh doanh mặt hàng này".

Đoan Thục quyết định bỏ nghề kỹ sư công nghệ lên núi khởi nghiệp bằng nghề thủ công.

Theo Thục, nghệ thuật macrame đã lan rộng nhờ những thợ dệt người Ả Rập ở thế kỷ thứ 13. Sau khi dệt khăn tắm, khăn choàng..., họ tết những sợi chỉ thừa ở hai đầu thành những hoa văn đẹp mắt.

Lúc bắt đầu công việc, Thục không gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật vì cô vốn khéo léo và có khiếu thẩm mỹ. Nhưng khó khăn của Thục là làm sao để bán được sản phẩm.

Những món đồ dễ thương được Thục làm ra chủ yếu từ dây cotton, dây bố... rất hợp với các quán cà phê, văn phòng làm việc lựa chọn để trang trí, như vật dụng treo cây, treo bình hoa, tranh gỗ, thảm, giỏ xách…

“Công việc hiện tại khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì được làm những điều tôi thích, được sống một cuộc sống giản dị, nhẹ nhàng thoải mái và không bon chen ngay tại quê hương” - Thục chia sẻ.

Thời gian đầu, khi còn ít người biết đến và khách hàng chưa quen với sản phẩm mới lạ này, Thục mở cửa hàng online để bán chủ yếu ở Mỹ.

Hiện tại, những sản phẩm của Thục dễ dàng được bắt gặp tại các quán cà phê hay homestay của Đà Lạt. Lượng khách hàng thân thiết đã tăng lên nhiều và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Hoàng Tỷ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bo-vi-tri-nhieu-nguoi-mo-uoc-o-sai-thanh-co-gai-len-nui-khoi-nghiep-623454.ldo