Bỏ việc, bán xe... để chế tạo máy đốt rác chiết xuất thành dầu thô, phân bón

6 người với 6 cuộc sống khác nhau nhưng cùng chung chí hướng phục vụ cộng đồng, nhưng chàng trai của nhóm Kim Cương Việt đã miệt mài 5 năm để chế tạo thành công chiếc máy đốt rác triệt để, chiết xuất rác thải dân sinh thành dầu thô, phân bón.

Mong muốn cháy bỏng với phương pháp xử lý tối ưu nhất cho“rác thải dân sinh”, 6 thanh niên cùng chung chí hướng, nhiệt huyết đã thành lập nhóm nghiên cứu ứng dụng Kim Cương Việt với 6 thành viên đã nghiên cứu hoàn thiện “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp” với sản phẩm hoàn thiện là chiếc máy đốt, xử lý rác thành dầu thô phân bón. Đây là kết quả của 5 năm làm việc không ngừng nghỉ của 6 thành viên.

Từ ý tưởng đến khó khăn

Anh Đỗ Quốc Thái chia sẻ, thành viên nhóm 6 người với 6 cuộc sống khác nhau nhưng cùng chung một suy nghĩ hướng về cộng đồng. “Trước đó, 6 người chúng tôi cũng đã quen nhau, anh em lúc đó ngồi tâm sự những câu chuyện trên trời dưới biển nhưng cùng có chung suy nghĩ về xử lý rác thải bảo vệ môi trường. Chính điểm chung này là cơ duyên để đưa cả nhóm cùng tụ họp lại” – Anh Thái cho biết.

Anh Đỗ Quốc Thái (Chủ nhiệm đề tài) bên cạnh chiếc máy đốt rác.

Anh Đỗ Quốc Thái (Chủ nhiệm đề tài) bên cạnh chiếc máy đốt rác.

Anh Quốc Thái cũng chia sẻ thêm, cả 6 người cùng có chung 1 người thầy, chính thầy cũng là người trăn trở về một chiếc máy xử lý rác thải với công nghệ chưa từng có. Thật tình cờ khi ý nghĩ này cũng là suy tư chung của cả 6 chàng trai. Từ đây, cả 6 đã quyết tâm sẽ phải cho ra đời với một chiếc lò đốt rác với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Được biết, người đầu tư cho hoạt động nghiên cứu nhiều nhất chính là anh Đỗ Quốc Thái. Để phục vụ công tác nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ anh đã vay mượn, đóng góp hàng trăm triệu đồng.

“Khó khăn nhiều lắm, chủ yếu là vấn đề tài chính. Cậu Giáp có chiếc xe máy SH giá trị nhất trong nhà đã bán đi góp vào nghiên cứu, giờ Giáp đi ké xe của vợ. Em Vinh, em Cường mới đây xin ứng cả nửa năm tiền lương góp vào. Còn các em khác nữa đều rất tâm huyết”, anh Thái cho biết thêm.

Máy có 2 khâu chính là phân loại và xử lý rác.

Anh Phùng Ngọc Minh (thành viên nhóm) cho hay: “Chúng tôi sống ở Vĩnh Phúc, rất gần với bãi rác Nam Sơn. Nhìn những đống rác được xử lý chôn lấp hàng ngày khiến chúng tôi trăn trở. Vì chúng sẽ làm ô nhiễm môi trường không chỉ cho chúng ta mà còn ảnh hưởng đến đời con cháu. Suy nghĩ này đưa chúng tôi nghĩ đến việc phải làm gì đó để có thể bảo về môi trường. Tuy rằng có vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc yêu thích, nhưng trên hết là được phục vụ cộng đồng”.

Để toàn tâm toàn ý vào việc nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, anh Minh đã nghỉ việc mặc dù công việc khá ổn định và thu nhập không tồi.

Gần 5 năm gắn bó bên nhau, dốc lòng nghiên cứu hoàn thiện “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp” họ đã hoàn thành đứa con tinh thần là chiếc máy đốt rác thành dẩu thô, phân bón hữu cơ hiện tại.

Những quả ngọt từ sự cố gắng

Sau những gian nan, có những lúc khó khăn tưởng chừng không thể tiếp tục nhưng nhóm vẫn tự động viên nhau để hoàn thành. “May mắn là trong suốt quá trình 5 năm làm việc cùng nhau, chúng tôi chưa từng xảy ra tranh cãi hay bất hòa. Tất cả cùng nhìn về thành quả tương lai nên không vì những khó khăn ban đầu mà nản lòng” – anh Phùng Ngọc Minh chia sẻ. Những khó khăn lần lượt qua đi để nhường chỗ cho những trái ngọt đầu tiên.

Năm 2016, nhóm thực nghiệm và giới thiệu công nghệ xử lý rác thải tại: Nhà văn hóa làng Quán Tỉnh, xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội).

Mặt sau của chiếc máy xử lý rác thành dầu thô.

Năm 2017, thực nghiệm, giới thiệu công nghệ tại UBND xã Gia Phong, huyện Gia Viễn (Ninh Bình); xã Sơn Hà, huyện Nho Quan (Ninh Bình); xã Tân Hương (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên); Khu tập kết rác xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội); Khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Kết quả thực nghiệm thành công được các địa phương đánh giá cao.

Cũng trong năm 2017, thành công lan tỏa, nhóm được Công ty TNHH An Cường Thịnh (xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tín nhiệm mời xử lý khói bụi.

Cốt lõi của công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp chính là máy xử rác bằng thép được nhóm Kim Cương Việt dày công chế tạo. Máy cao 2,2m, rộng 2,0m, dày 1,9m, nặng 3,2 tấn. Công nghệ xử lý rác áp dụng nguyên lý nhiệt phân và đảo nhiệt tạo áp suất xử lý rác thải. Qua đó, xử lý các loại rác thải vô cơ, hữu cơ khó xử lý bậc nhất như: Băng vệ sinh, bỉm trẻ em, rác thải y tế… mà không phải chôn lấp.

“Sau khi đốt ở nhiệt độ hàng nghìn độ C, rác cháy thành tro. Tiếp tục, nguồn tro sẽ được dùng làm vật liệu đốt tiếp. Quá trình đốt sẽ sản sinh ra dầu thô, khí gas và kali nguyên sinh. Kali nguyên sinh dùng làm chất xúc tác để ủ rác hữu cơ trong vòng 48 giờ tạo ra phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp”, anh Nguyễn Phú Vinh (Thành viên nhóm) cho biết.

Thành phẩm dầu thô sau khi chiết suất.

Theo nhóm Kim Cương Việt, ưu điểm của công nghệ là tạo được khí gas, dầu thô, phân bón sinh học, giúp tận thu các hợp kim và kim loại để tái sử dụng trong ngành công nghiệp; Chi phí đầu tư hợp lý, tính bền vững ổn định lâu dài. Đặc biệt, giá thành đầu tư xử lý rác thải chỉ tốn một nửa so với các công nghệ hiện tại

Chiếc máy có công suất xử lý gần 20 tấn rác/ngày. Máy có 2 lò đốt: Nhiệt phân, đảo nhiệt, có buồng lạnh, hệ thống buồng khử khí thải (xử lý qua dung dịch kiềm giúp lắng đọng các chất độc, tạo nguồn khí đảm bảo an toàn ra môi trường). Với lượng xử lý khoảng 30-40 kg rác dân sinh sẽ cho ra 1 lít dầu, 1 tấn rác hữu cơ cho ra khoảng 200-300kg phân sinh học.

Thực tế thực nghiệm tại một số địa phương và bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), kết quả phân tích các mẫu dầu thô, tro đều đạt các chỉ số khoa học…

Chủ nhiệm đề tài Đỗ Quốc Thái cho biết, hiện nhóm đang hoàn thiện hồ sơ trình Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức thực nghiệm, nghiệm thu đề tài nghiên cứu. Hiện nay, do khó khăn kinh tế, nhóm mong muốn tìm kiếm cộng tác viên cùng đầu tư, hoàn thiện và phát triển công nghệ. Bên cạnh đề tài nghiên cứu “Công nghệ xử lý rác thải dân sinh không chôn lấp”, nhóm đang phác thảo thiết kế “Máy xử lý rác thải Y tế”; Bản vẽ “Cột điện thông minh”...

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-viec-ban-xe-de-che-tao-may-dot-rac-chiet-xuat-thanh-dau-tho-phan-bon-post246881.info