Bỏ 'viên chức suốt đời': Có xảy ra chuyện vừa làm, vừa lo mất việc?

Ủng hộ quy định không còn công chức, viên chức trọn đời, nhưng đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, mọi đổi mới, cải cách trước tiên phải giúp công chức, viên chức, người lao động sống được bằng lương đồng thời cần có cơ chế đánh giá, giám sát khách quan, để người lao động an tâm làm việc.

 Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh:Quochoi.vn

Đại biểu Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh:Quochoi.vn

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 7 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Một trong những điểm mới của dự luật là đề nghị thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với tất cả viên chức tuyển dụng mới, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức trọn đời” trong đội ngũ viên chức. Lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập cũng không còn là công chức nữa.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã chia sẻ một số quan điểm của ông xung quanh dự án Luật này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đưa ra quy định sẽ bỏ chế độ "viên chức trọn đời", ông có ủng hộ điều này không?

Tôi hoàn toàn ủng hộ với quy định không còn “công chức, viên chức trọn đời”. Vì nhìn vào hệ quả của những gì đã qua, có những công chức có kinh nghiệm, uy tín... nhưng ngược lại việc biên chế suốt đời cũng làm cho không ít công chức, viên chức trở nên quan liêu, làm việc kém hiệu quả.

Nếu ràng buộc công chức, viên chức như cũ sẽ chỉ khuyến khích “tính ỳ” và người ta chỉ nhìn thấy có những đặc quyền, đặc lợi. Họ sẽ khai thác hết tối đa đặc quyền, đặc lợi ấy mà không phát huy mặt mạnh của họ.

Còn theo luật mới, chúng ta hoàn toàn có thể hướng tới một thị trường nhân lực, có sự cạnh tranh. Công chức, viên chức sẽ buộc phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường nhân lực.

Cũng có ý kiến cho rằng việc bỏ viên chức suốt đời sẽ khiến đội ngũ viên chức làm việc trong tâm lý bất an và vô tình trao quyền lực cho người giữ quyết định tuyển dụng viên chức. Ông có đồng tình?

"Tôi thấy hiện nay bộ máy công chức, viên chức đang lạm quyền rất nhiều, nên cần làm chặt lại. Nếu chúng ta nuôi công chức như hiện nay không có tiêu cực mới là lạ" - ĐB Dương Trung Quốc.

Đương nhiên phải trao quyền cho những người quyết định việc nên giữ hay không giữ công chức, viên chức. Điều đó thể hiện khá rõ trong tình trạng đề bạt, điều chỉnh, điều chuyển cán bộ. Đúng là đằng sau đó có những lợi ích. Khi cái đặc quyền đó biến thành đặc lợi thì cần phải có chế tài để theo dõi, mà không gì bằng tính minh bạch.

Tôi nghĩ cần phải minh bạch bằng việc đánh giá định kỳ, như tại sao người này không được sử dụng nữa, có sự đồng thuận của đồng nghiệp hay không?

Tiếp theo là phải có chế tài rất nặng với chuyện hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy việc trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Tôi thấy hiện nay bộ máy công chức, viên chức đang lạm quyền rất nhiều, nên cần làm chặt lại. Nếu chúng ta nuôi công chức như hiện nay không có tiêu cực mới là lạ.

Theo ông, cách nào để giải quyết những bất cập mà ông vừa đặt ra?

Với mức tiền lương quy định như hiện nay thì hầu hết cán bộ công chức không thể sống nổi. Và có người đã “đục khoét” ngân sách, hay còn gọi là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu nhân dân khi làm các thủ tục hành chính...

Đã đến lúc phải xem xét lại chế độ lương bổng của công chức, viên chức. Chúng ta rất muốn giảm biên chế, nhưng chúng ta phải có quyết đoán trong vấn đề lương cho công chức, viên chức, nếu không sẽ chỉ như chuyện “quả trứng với con gà”, cũng khó có thể thu hút được người tài.

Một số nước hiện nay có chế độ đãi ngộ người tài rất tốt, thậm chí cả vợ con họ cũng có được những ưu đãi đặc biệt. Ông thấy Việt Nam có nên làm như vậy?

Có lẽ sử dụng người tài không phải chỉ là chuyện của thời đại ngày nay. Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi lần này cũng có quy định về chính sách thu hút người tài.

Tôi nghĩ chúng ta phải xác định rõ thế nào là tài, làm thế nào để kéo được người tài, làm sao để người tài họ chấp nhận đến với mình? Những điều này nên để ở dưới luật thì hơn.

Còn về chính sách đãi ngộ người tài, nếu sự tuyển chọn đầu vào chuẩn mực, chọn được người thực sự có tài, thì việc đãi ngộ là đương nhiên. Nhưng chúng ta phải có chế độ sa thải và quy định rõ trách nhiệm của người tuyển chọn, để không có “chuyện đã rồi”.

Mục đích cuối cùng của quy định sửa đổi lần này là thu hút, có chỗ cho người tài vào làm việc cho bộ máy nhà nước. Nếu không có bộ công cụ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch, không cả nể, thì mục tiêu thu hút người tài không thể đạt được.

Xin cảm ơn ông!

Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/bo-vien-chuc-suot-doi-co-xay-ra-chuyen-vua-lam-vua-lo-mat-viec-735615.ldo