Bỏ xếp loại, có cào bằng tất cả người học?

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo lần 1 lấy ý kiến Thông tư về ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự). Theo đó, chi tiết bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình) cũng như bỏ phân loại chính quy hay tại chức đang nhận về rất nhiều ý kiến phản hồi.

Có làm giảm động lực học của sinh viên?

Theo quy định cũ, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về mức độ: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình; phân biệt rõ hình thức đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm, học hệ từ xa.

Còn theo dự thảo này, cách ghi các nội dung trên bằng tốt nghiệp ĐH sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ ĐH chỉ gọi chung là cử nhân, bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình) cũng như bỏ phân loại chính quy hay tại chức.

Những nhà quản lý cho rằng, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và không ảnh hưởng đến động lực phấn đấu của sinh viên vì kèm theo đó còn có bảng điểm cụ thể để nhà tuyển dụng tham khảo, lựa chọn ứng viên phù hợp với chuyên ngành tuyển dụng.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Việc xếp loại là làm theo thông lệ quốc tế, quốc tế không ghi thì mình không nên ghi. Bằng là chứng nhận để người ta đạt một trình độ nào đó như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… Còn lại bên cạnh bằng tốt nghiệp, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bảng điểm, bảng điểm mới thể hiện được quá trình học của sinh viên”.

Tuy nhiên, ý kiến từ phía sinh viên lại cho rằng, nội dung ghi văn bằng theo tinh thần dự thảo sẽ làm giảm động lực phấn đấu của sinh viên, vì không còn áp lực thứ hạng. Đồng nghĩa với việc khi kê khai bằng tốt nghiệp, nó giống như sự cào bằng chất lượng người học, bởi không phải DN, cơ quan tuyển dụng nào cũng yêu cầu bổ sung bảng điểm kèm theo.

Việc không ghi xếp loại trên văn bằng ĐH nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn: Như vậy có cào bằng chất lượng của sinh viên khi họ tham gia tuyển dụng? (Ảnh: P.T)

Việc không ghi xếp loại trên văn bằng ĐH nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn: Như vậy có cào bằng chất lượng của sinh viên khi họ tham gia tuyển dụng? (Ảnh: P.T)

Bộ cho rằng việc bỏ xếp loại phù hợp với xu hướng thế giới

Sau khi nhận được những ý kiến phản hồi ban đầu, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vừa cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH”.

Cụ thể: Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) quy định: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”.

Như vậy, Luật quy định đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.

Thực hiện quy định của Luật, trong năm 2019, Bộ GD&ĐT tiến hành xây dựng song song 2 văn bản:
Thứ nhất: Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành); Thứ 2: Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH.

Trong “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” đã có quy định nội dung chính của phụ lục văn bằng giáo dục ĐH bao gồm: “Thông tin của người được cấp văn bằng: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: Tên cơ sở giáo dục ĐH cấp bằng; ngành đào tạo; chuyên ngành đào tạo; ngày nhập học; ngày cấp bằng; nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu); ngôn ngữ giảng dạy; thời gian đào tạo; thông tin về trình độ đào tạo; hình thức đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp mà người có văn bằng được tiếp cận; Kết quả học tập: Tên học phần hoặc môn học; số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học; điểm học phần hoặc môn học; tổng số tín chỉ tích lũy; điểm trung bình; tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có); điểm xếp loại tốt nghiệp; xếp loại tốt nghiệp.

Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo”.

Các thông tin quy định ghi trên phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo… của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.

Cục Quản lý chất lượng cho biết: Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.

Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia).

Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục ĐH Việt Nam với giáo dục ĐH của các nước. Như vậy, phụ lục văn bằng chính là văn bản phản ánh chất lượng riêng của từng trường, từng sinh viên.

Về vấn đề này, Bộ cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-xep-loai-co-cao-bang-tat-ca-nguoi-hoc-165304.html