Bó xương - một bài thuốc dân tộc độc đáo

Theo bài thuốc của các ông Lang dân tộc vùng cao, cây thuốc bó xương dễ tìm dễ kiếm, bài thuốc rất đơn giản nhưng hiệu quả cao. Họ gọi chúng là cây bìm bịp.

Ai cũng đã từng nghe tên loại cây bìm bịp, nhưng không mấy ai biết thực sự chúng là cây gì. Cây bìm bịp, một loại cây mọc hoang dại ở khắp nơi - cả đồng bằng và vùng núi cao. Tên khoa học của chúng là Clerodendron cyrtophyllum Turcz, dưới miền xuôi gọi cây này là bọ mẩy, lá hôi, đại thanh, đắng cay…
Câu chuyện về cây thuốc mang tên một loài chim

Người dân sống ở vùng núi cao, khi đi rừng phải trèo đèo, lội suối, va đập với đất đá – cây cối, nên thường xuyên bị thương tật, gãy chân gãy tay. Họ không tìm ra cách thích nghi – khắc phục để sống ở địa hình môi trường đó. Họ tìm đến các ông lang, nhưng các ông lang cũng lắc đầu. Mỗi khi trời sáng, trời chiều, tiếng bìm bịp như nhắc họ đã qua một ngày nữa mà họ chưa hoàn thành được công việc đang làm. Loài chim như chỉ dẫn, mách bảo điều gì đó, nhưng không ai biết. Ngày đó, trong làng có ông lang họ Ma, tuổi còn trẻ, như hiểu được lời của loài chim này. Ông lang họ Ma quyết định đi tìm hiểu về chúng. Tìm mãi tìm mãi, một hôm ông thấy cái tổ rất to tổ của một loài chim, nó rất hôi hám, nhưng con non lại phát triển rất tốt. Loài chim này là loài ăn tạp, từ rắn đến cá tôm hay chuột nhỏ; một số loài chim khác cũng làm mồi cho chúng. Ông theo dõi thấy loài chim này thường xuyên thay đổi rác lót trong tổ thay vì phải tha phân bỏ đi chỗ khác, con non thì không hề mắc bệnh gì. Ông thán phục vì khả năng ấy của chúng. Nghĩ rằng loài chim này có khả năng tự chữa bệnh rất giỏi, ông quyết định thử khả năng khác của chúng. Chờ lúc chim bố mẹ bay đi kiếm mồi, ông bẻ gãy chân con non. Nửa ngày sau quay lại kiểm tra thấy diều chúng có màu xanh của lá cây, chỗ gãy của con non được đắp một lớp lá nhơn nhớt đã được nhai nát. Kiểm tra thì thấy đó chính là cây mà loài chim này thường xuyên thay trong tổ. Vài ngày sau, ông quay lại thì thấy chân của con non gần như không còn vết tích gì của chỗ gãy.

Ông về làm theo, kết quả thật kỳ diệu. Từ đó ông học theo bài thuốc ấy. Cây này có rất nhiều nhưng ông không biết tên cây, nên dặt tên bằng tên loài chim đã tìm ra nó. Từ đó bài thuốc cây bìm bịp ra đời.

Thầy lang và bài thuốc

Thầy lang Ma Công Ngoan ở Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh vốn là người dân tộc Nùng, nguyên quán ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Thầy Ngoan được truyền dạy lại kinh nghiệm qua mấy đời lấy thuốc từ ông cha để lại. Thầy cho biết về cây thuốc bìm bịp để bó xương có tác dụng làm liền xương rất nhanh. Thầy đã bó cho rất nhiều ca ngã, tai nạn bị gãy tay gãy chân. Nếu bó liền sau khi gãy thì xương liền lại trong vòng 12 giờ đồng hồ, đó là điều rất kỳ lạ từ cây bìm bịp.

Bài bó xương có rất nhiều loại. Dưới đây là bài bó xương mà thầy Ngoan chia sẻ:

Lấy lại chỗ xương bị gãy, nắn cho thẳng

Lấy một nắm lá bìm bịp rửa sạch, cho một chút muối tinh rồi giã nát

Bắt đầu bó: đắp lá xung quanh chỗ bị gãy rồi lấy mảnh vải mỏng quấn quanh để giữ lá và chống hoại tử da khi băng chặt, lấy một đoạn cây mía (mía ăn – mía đen) tương đương bằng đoạn khớp xương bị gãy chẻ làm 4 mảnh nẹp ở bên ngoài tránh động đến chỗ gãy, sau lấy băng dính bản to băng chặt cả khớp xương như bó bột. Hai hôm thay lá một lần. Chỉ một tuần là liền, nhưng vẫn phải nẹp cây để cho xương hoàn thiện. Khi thay băng phải nhẹ nhàng, tránh động mạnh làm lệch chỗ xương đang ăn ra. Trong thời gian bó, để cho người bệnh đó nhanh lành xương và an tâm hơn, dùng chính bộ phận cây bìm bịp băm nhỏ sắc đặc cho uống.

Xen thêm về cây Bìm Bịp

Cây bìm bịp dạng bụi mọc trườn có thể cao đến 3m, lá nguyên có cuống ngắn, phiến lá hình mác hay thuôn, mặt lá hơi nhăn, mềm, xanh, bóng, to 7-9cm x 2-2,5cm. Gié dày, xụ, ở ngọn nhánh, lá hoa hẹp. Hoa đỏ hay hồng, cao 3-5cm, đài cao 1cm, có lông trĩn, vành dài 5cm, có 2 môi đứng, môi dưới 3 răng, tiểu nhụy 2, bao phấn vàng xanh, nang dài 1,5cm, cuống ngắn, có 4 hạt. Mùa hoa xuân - hạ.
Cây còn có tên gọi: cây xương khỉ. Tên khoa học: Clinacanthus nutans (Burm.f.) Lindau. Thuộc họ Ô rô Acanthaceae. Cây có nguồn gốc châu Á nhiệt đới, mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam làm thuốc hoặc lấy lá hấp bánh, đồ xôi để có mùi thơm riêng biệt.
Tìm hiểu tại sao có tên cây bìm bịp thì được các bác cao tuổi ở miền Đông Nam Bộ kể rằng: Khi bìm bịp con mới nở, người ta bẻ gãy chân, thì thấy chim mẹ cắn lá cây này về đắp chim con cho lành xương nên có tên gọi như trên. Không biết thực hư thế nào nhưng rõ ràng đã có tên gọi và một số tác dụng liên quan đáng được chú ý.
Bộ Phận Dùng
Toàn cây thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô để dành. Theo y học cổ truyền, toàn cây có tác dụng: Giảm đau, hạ sốt, chống viêm, điều kinh. Nhân dân thường dùng lá thân tươi của cây giã nát đắp vào mắt chữa sưng đau, đắp vết thương, cầm máu, bong gân, gãy xương kín… Còn dùng để nấu canh ăn cho mát, lá khô được dùng để ướp bánh (bánh mảnh cọng). Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng cây bìm bịp:
Trẻ em, người lớn thường lở miệng, cách chữa: Lá bìm bịp tươi rửa sạch giả nát thêm ít nước, lược lấy nước ngậm từ từ rồi nuốt. Liều dùng 20-60 g/ngày.

Huỳnh Đăng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bo-xuong-mot-bai-thuoc-dan-toc-doc-dao-35346