Bộ Y tế: Chưa thể khẳng định thịt lợn gạo khiến trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn

Ngày 19/3, Đoàn công tác Bộ Y tế đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh về vụ việc hàng trăm trẻ em nhiễm sán lợn gây nhiều lo lắng cho dư luận những ngày qua.

Liên quan đến sự việc hàng nghìn trẻ tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đi xét nghiệm sán lợn, trong đó phát hiện hơn 200 mẫu dương tính. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, việc người dân lo lắng về việc thực phẩm không đảm bảo và tự nguyện đưa con đến các cơ sở y tế để khám là điều chính đáng.

"Nếu có con bị như vậy, mà tôi không có chuyên môn, tôi cũng lo và cho con đi xét nghiệm", ông Phong nói và cho rằng, sự việc này Bắc Ninh chưa làm tốt, đặc biệt là việc cung cấp thông tin không thống nhất.

Tuy nhiên, việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm an toàn thực phẩm ở Trường mầm non Thanh Khương với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm và một số có kết quả dương tính với sán lợn thì theo ông Phong, tới nay chưa có cơ sở để khẳng định. Bởi lẽ, thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có.

Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh.... Phải khẳng định rõ ràng rằng không chỉ thực phẩm ăn ở trường mà còn nhiều con đường dẫn đến nhiễm sán.

 Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng chia sẻ: “Rất tiếc, hôm nay đại diện của Tổ chức Y tế thế giới không thể tham dự do có cuộc họp quan trọng. Trước đó, khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã tham vấn thông tin từ đại diện Tổ chức Y tế thế giới, họ khẳng định “giun sán có ở mọi nơi”.

Ông Phong cho rằng, không chỉ cháu nhỏ mà người lớn cũng có nguy cơ nhiễm sán. Qua điều tra dịch tễ, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà nhiều tỉnh khác cũng có sán, giun, ký sinh trùng đường ruột. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… có điều kiện kinh tế, khí hậu như chúng ta thì việc tồn tại ký sinh trùng đường ruột, trong đó có sán là phổ biến.

"Nếu xét nghiệm, nhiều khả năng tôi cũng dương tính với sán”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nói.

Về việc hàng nghìn người dân lo lắng cho con đi xét nghiệm những ngày qua, ông Phong cho biết, hiện tất cả tài liệu của WHO cũng như 2 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam đều khẳng định, các trường hợp dương tính trong huyết thanh, trong máu vẫn chưa thể khẳng định đang mắc sán. Xét nghiệm máu chỉ là 1 trong những phương pháp góp phần chẩn đoán sán.

“Theo phác đồ của Bộ Y tế năm 2004, các trường hợp mới xét nghiệm máu phát hiện dương tính sán như vậy chưa phải điều trị. Chỉ định điều trị chỉ áp dụng khi xác định nhiễm sán trưởng thành với biểu hiện đi ngoài, có đốt sán trong phân hay các trường hợp nhiễm ấu trùng sán có biểu hiện nổi mụn hạch và các biểu hiện khác”, ông Phong giải thích.

Hiện điều trị sán dễ dàng, thuốc không đắt. Với sán trưởng thành chỉ cần 1 liều, với người nhiễm ấu trùng sán, phác đồ kéo dài hơn nhưng đều có thuốc.

Biện pháp tới đây là đối với các kết quả xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương trả cho kết quả dương tính, thay vì đề nghị sau 2 tuần khám lại thì Bộ kiến nghị cán bộ của Viện trong giai đoạn chờ tái khám thì xuống trực tiếp các địa phương, cùng y tế địa phương để kiểm tra theo dõi.

Đối với cháu chưa có kết quả, chưa xét nghiệm, cán bộ y tế địa phương, cán bộ giáo dục, cán bộ nhà trường ko những chỉ theo dõi, sức khỏe thường xuyên, trong đó có giám sát về ký sinh trùng đường ruột và sán.

Từ ngày 15 - 18/3, hàng nghìn phụ huynh ở Bắc Ninh đã đưa con đi bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sán lợn

Như tin đã đưa, ngày 14/2, phụ huynh tại Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn đã nấu chín cho trẻ em có nhiều hạt nhỏ như gạo nghi là sán. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã yêu cầu nhà trường làm rõ sự việc, một số không cho con ăn bán trú.

Đến trưa ngày 5/3, một số phụ huynh phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh nghi không đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 10kg thịt gà đông lạnh được cất giữ trong tủ lạnh của khu bếp ăn nhà trường. Sự việc khiến nhiều phụ huynh hoang mang về bữa ăn của con em mình tại trường cũng như sức khỏe của các bé.

Sau đó, một số gia đình có con học tại Trường mầm non Thanh Khương đã chủ động đưa con đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và phát hiện 3 trường hợp dương tính với sán lợn. Sau đó nhiều gia đình mới đồng loạt đưa con đi khám.

Hiện số trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh ở 2 viện này đã lên tới 209. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng vì số trẻ mắc sán lợn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Báo Công lý sẽ tiếp tục cập nhật về vụ việc này.

Thảo Nguyên - Diệu Nguyễn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/bo-y-te-chua-the-khang-dinh-thit-lon-gao-khien-tre-o-bac-ninh-nhiem-san-lon-290784.html