Bộ Y tế chuẩn bị cho nhập thêm Salbutamol có hợp lý?

Ngày 3-7, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phát đi thông điệp cho biết có nguy cơ thiếu thuốc Salbutamol phục vụ điều trị. Thuốc có chứa Salbutamol thuộc danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới với chỉ định trong điều trị hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và chống đẻ non.

Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, Sở Y tế Đồng Tháp, Đồng Nai, Trà Vinh, Ninh Bình báo cáo về việc một số công ty sản xuất trong nước trúng thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị trong tỉnh, nhưng hiện không có đủ thuốc nên thông báo tạm ngừng cung ứng thuốc chứa Salbutamol đường tiêm. Trường hợp tình trạng ngừng cung ứng thuốc kéo dài, một số cơ sở cũng phải tính đến việc sử dụng thuốc chứa Salbutamol đường tiêm nhập khẩu, nhưng với giá thành cao hơn nhiều lần so với thuốc sản xuất trong nước.

Ông Lê Văn Hoàng (Giám đốc Công ty Dược phẩm Vacopharm - Long An), cho biết: Công ty đã trúng thầu cung ứng thuốc Salbutamol tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước. Tuy nhiên, do thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc Salbutamol hiện đã đưa vào danh mục phải quản lý đặc biệt dẫn đến việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc Salbutamol đang bị gián đoạn do quy định mới về nhập khẩu nguyên liệu phải kiểm soát đặc biệt, chúng tôi đã gửi đơn hàng và có giải trình đến Cục Quản lý Dược để đề nghị xét duyệt. Mong sớm có sự chấp thuận từ phía Cục Quản lý Dược do việc gián đoạn trong cung cấp thuốc đến các cơ sở khám chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến uy tín nhà thầu của công ty chúng tôi trong các năm tiếp theo.

Lực lượng Công an bắt quả tang việc mua bán chất Salbutamol

Vì thế Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các Sở Y tế khẩn trương báo cáo và chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh khẩn trương nộp đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol để kịp thời giải quyết ngay nhu cầu nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, “bỗng dưng” có thông tin về thiếu Salbutamol khiến nhiều người thấy băn khoăn, có phần lo ngại. Bởi vài năm trước, chỉ trong 2 năm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cho nhập ồ ạt khoảng 9 tấn Salbutamol trong 2 năm 2014 và 2015, dẫn đến một số doanh nghiệp, cá nhân không thuộc ngành y tế đã dùng Salbutamol sai mục đích, thậm chí làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm, khiến dư luận ồn ào. Con số 6.268 kg Salbutamol được bán ra thị trường cho mục đích chăn nuôi đã khiến dư luận giật mình, vì đây là chất tác động xấu tới sức khỏe, thậm chí có khả năng gây ung thư nếu để tích tụ trong cơ thể. Vì thế, Salbutamol đã được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công an cùng phối hợp quản lý.

Trước thông tin thiếu Salbutamol khiến Bộ Y tế chuẩn bị cho nhập thêm Salbutamol, chúng tôi đã trao đổi với Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) và được biết, sau “sự cố” cho phép nhập ồ ạt Salbutamol bị Bộ NN&PTNT lên tiếng và dư luận phản ứng, Bộ Y tế đã đưa thuốc có chứa Salbutamol vào danh mục thuốc quản lý đặc biệt và cho tạm ngừng cho nhập Salbutamol nhằm quản lý chặt nguyên liệu Salbutamol, đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Sau một thời gian tạm ngưng, Bộ Y tế đã cho phép nhập khẩu trở lại, nhưng chỉ hai đơn vị được nhập là Công ty CP Dược Vacopharm và Công ty CP Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco, mỗi công ty được phép nhập khẩu 50 kg. Bộ Y tế cũng giao Sở Y tế tại địa bàn giám sát, kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu của 2 đơn vị này. Việc cấp phép trên đều được Cục Quản lý Dược thông báo cho Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) để phối hợp giám sát, nhằm bảo đảm lượng nguyên liệu Salbutamol được nhập khẩu không bị sử dụng sai mục đích.

Chúng tôi cũng nêu băn khoăn về hơn 6 tấn Salbutamol đã được Cục Quản lý Dược cho nhập còn tồn đến năm 2016 hiện đi đâu, mà nay phải tiếp tục nhập khẩu, khi mỗi năm, cả nước chỉ sử dụng vài trăm kg cho y tế?

Trung tá Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm: Số Salbutamol nhập về được phát hiện sử dụng sai mục đích thời điểm trước đây ở một số công ty lớn đã được Bộ Y tế phối hợp với C49 thu hồi, niêm phong, hoặc một số doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm không đúng mục đích, đã bị Cục quản lý Dược tiêu hủy.

Từ đó đến nay, việc quản lý nhập khẩu cũng như sử dụng Salbutamol được Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ NN&PTNT phối hợp giám sát chặt chẽ. Kết quả xét nghiệm các mẫu thịt lợn trên thị trường không còn có Salbutamol cho thấy điều này. Năm vừa qua, 2 công ty được phép nhập Salbutamol cũng chỉ nhập tổng số 100kg, vì thế, giờ họ có nhu cầu nhập phục vụ công tác điều trị là phù hợp.

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết, , các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định chặt chẽ việc nhập và sử dụng Salbutamol, từ việc báo cáo của doanh nghiệp, phân cấp quản lý đến các Sở Y tế với việc quản lý thuốc dạng đặc biệt. Mặt khác, có sự phối hợp thường xuyên giữa Bộ Y tế với Bộ Công an, Bộ NN&PTNT trong việc kiểm tra, giám sát Salbutamol.

Thời gian qua, Cục Quản lý Dược thường xuyên chỉ đạo các Sở Y tế cũng như các Công ty sản xuất thuốc cung ứng cho bệnh viện về vấn đề cung cấp thuốc có chứa Salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh của nhân dân.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/bo-y-te-chuan-bi-cho-nhap-them-salbutamol-co-hop-ly-498688/