Bộ Y tế tiếp tục họp khẩn, khẳng định chưa có trường hợp lây lan cộng đồng tại Việt Nam

Trước trình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây nên. Vừa qua, chiều ngày 31/1, Bộ Y Tế đã có cuộc họp khẩn cấp trả lời các vấn đề về tình trạng nhiễm bệnh ở Việt Nam, khẩu trang y tế, đương dây nóng 19003228,...

Việt Nam chưa có ca lây lan trong cộng đồng

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 11 giờ ngày 31/1/2020, trên thế giới đã có 9.832 người mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV), với 213 người tử vong. 100% trường hợp tử vong đều ở Trung Quốc. Hiện dịch do nCoV đã lan ra 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc).

Sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) vào ngày 30/1, theo giờ Geveva, Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố tình trạng "khẩn cấp toàn cầu" về virus corona.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo buổi họp báo (ảnh: nld.vn)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo buổi họp báo (ảnh: nld.vn)

Tại Việt Nam, đã ghi nhận 5 người mắc nCoV, trong đó có 2 cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Hiện người con đã được chữa trị thành công. Người cha vẫn tiếp tục được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). 3 trường hợp còn lại vừa xác định dương tính nCoV vào chiều 30/1 đều là người Việt.

Tại buổi họp báo, ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: " Tôi xin khẳng định hiện nay tại Việt Nam chưa có, chưa thấy có ca bệnh do sự lây lan của cộng đồng".

Học sinh vẫn đi học và tiến hành các hoạt động bình thường

Trả lời các câu hỏi về vấn đề trang thiết bị y tế và đường dây phòng chống dịch 19003288, ông Trần Đắc Phu cho biết: "Người dân không nên quá hoang mang trước dịch bệnh. Đeo khẩu trang là biện pháp rất tốt để ngăn ngừa dịch bệnh. Song, chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95, và các quần áo bảo hộ đặc biệt. Người dân không nên quá hoang mang. Dùng khẩu trang y tế thông thường cũng có thể phòng ngừa được virus".

"Theo tôi, trong trường học chưa có khuyến cáo học sinh nghỉ học trong thời điểm hiện nay. Học sinh vẫn đi học và tiến hành các hoạt động bình thường. Bộ Giáo dục đã khuyến cáo những học sinh có triệu chứng bệnh tật, đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, chính xác tình trạng bệnh tật. Nếu có biểu hiện bệnh do nCoV, chúng tôi sẽ cách ly, giám, xử lý theo tình hình như cho nghỉ một lớp hay vài lớp", ông Phu cho biết.

Ông Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (ảnh: nld.com)

Đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị phòng dịch nCoV, miễn phí gọi điện đường dây nóng

Trước tình hình dịch hiện nay, ông Nguyễn Tử Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Vụ đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, gửi công văn cho các doanh nghiệp sản xuất (khoảng 40 doanh nghiệp) về việc chủ động sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho các cơ sở y tế để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, đảm bảo bình ổn giá; không đầu cơ, gom hàng; nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường kiểm tra giám sát, xử lý những đơn vị lợi dụng tình hình dịch để nâng giá, "chặt chém" người dân.

Theo đó, ông Nguyễn Vũ Trung – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Đường dây nóng 19003228 được Bộ Y tế sử dụng để phòng chống dịch, cung cấp cho cả nước. Chúng tôi đã huy động các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn tốt tham gia trả lời đường dây nóng này. Thực sự thời gian qua chúng tôi cũng quá tải, có những ngày trên 200 cuộc điện thoại gọi đến".

Liên quan đến phí sử dụng (trước đó là 5000đ/phút), ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông & Thi đua – Khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết đường dây nóng của Bộ Y tế bắt đầu miễn phí từ 0h ngày 1/2/2020. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế sẽ xây dựng, nâng cấp số điện thoại để nhiều bệnh viện cùng tham gia để nắm bắt thông tin từ người dân, phân luồng bệnh nhân.

Ông Nguyễn Vũ Trung trả lời tại buổi họp báo (ảnh: antd.vn)

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm phổi cấp

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược,trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm phổi cấp do virus corona, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh này. Hiện tại, việc điều trị dựa trên tình trạng bệnh. Ví dụ, bệnh nhân ho nặng, sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm ho; bệnh nhân bị sốt cao trên 38,5 độ C sẽ được dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.

Trường hợp bệnh nhân bị rối loạn nước điện giải sẽ được dùng dịch truyền; bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh. Với những bệnh nhân có các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp sẽ được chỉ định dùng các thuốc điều trị nền bệnh ấy.

Để phòng bệnh, việc quan trọng là áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế để tránh lây nhiễm tại cộng đồng; không nhập khẩu động vật hoang dã, không sử dụng động vật hoang dã trong bữa ăn; dùng khẩu trang bảo vệ sức khỏe khi đến nơi đông người.

Ai nên và không nên xét nghiệm?

"Giai đoạn đầu chưa có "mồi" của các tổ chức quốc tế gửi, nhưng hiện Viện Vệ sinh dịch tễ đã có để chẩn đoán. Bên cạnh những ca nghi ngờ được thông báo (sốt, đi từ vùng dịch về có nghi ngờ…) đã tổ chức xét nghiệm đặt ở các bệnh viện lớn như Bệnh nhiệt đới, Pasteur, chúng tôi có cả hệ thống giám sát viêm phổi cấp, yêu cầu hệ thống các bệnh viện lấy mẫu những bệnh nhân viêm phổi cấp đưa về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm", ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Ngoài ra, Liên quan câu hỏi về kiến nghị dừng việc thổi máy đo nồng độ cồn để phòng chống lây lan dịch bệnh nCoV, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tất cả các trường hợp thổi máy nồng độ cồn thì dùng loại ống 1 lần, tránh lây nhiễm tất cả các bệnh (qua hô hấp, tiêu hóa), chứ không riêng gì bệnh do nCoV”.

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bo-y-te-tiep-tuc-hop-khan-khang-dinh-chua-co-truong-hop-lay-lan-cong-dong-tai-viet-nam-d116229.html