Bộ Y tế trả lời về lộ trình sửa đổi chính sách và cắt giảm TTHC

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Y tế xem xét trình sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, Luật BHXH, Luật BHYT, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP, Nghị định số 109/2016 ngày 1/7/2016, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, thời gian thực hành đối với cấp chứng chỉ hành nghề của bác sỹ; hướng dẫn cụ thể hơn về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa như sau:

Về việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế được Quốc hội giao xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và trình Quốc hội trong năm 2020: Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ trình đúng tiến độ vào năm 2020.

Về việc sửa Luật BHYT, Luật sửa đổi bổ sung Luật BHYT số 46/QH13 được ban hành tháng 6/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015: Hiện nay, Bộ Y tế đang tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Luật BHYT, đồng thời nghiên cứu, bổ sung cơ sở lý luận và những kinh nghiệm, bài học trong nước và trên thế giới để làm cơ sở xây dựng Luật BHYT sửa đổi. Quá trình này đang được thực hiện theo chương trình sửa Luật BHYT.

Về việc sửa Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 và hướng dẫn tự chủ,thực hiện Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có giao cho các Bộ phải xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ.

Đến nay, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực Y tế - Dân số (thay thế Nghị định số 85). Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã có Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số (thay thế Nghị định số 85).

Về việc sửa Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, hiện nay thực hiện Kế hoạch của Chính phủ và Quốc hội, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh để trình Quốc hội xem xét và phê duyệt năm 2020, theo đó dự kiến Ban soạn thảo sẽ đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến:

- Cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề;

- Cấp giấy phép tạm thời cho các đối tượng là người nước ngoài đến khám bệnh chữa bệnh nhân đạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo thực hành tại Việt Nam. Giao Bộ Y tế xem xét, thừa nhận chứng chỉ hành nghề đã được cấp bởi một số nước khác.

- Bổ sung một số đối tượng, chức danh nghề nghiệp tham gia khám bệnh chữa bệnh nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề như: kỹ sư xạ trị, kỹ sư vật lý y học, cử nhân khúc xạ…

- Quy định về hướng dẫn thực hành và các cá nhân, cơ sở có đủ điều kiện để hướng dẫn và chứng nhận quá trình thực hành làm cơ sở để cấp chứng chỉ hành nghề.

- Xem xét để bổ sung các quy định để khuyến khích, tạo điều kiện cho người chịu trách nhiệm chuyên môn của trạm y tế xã yên tâm công tác.

Sau khi Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật như Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác.

Về việc sửa Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế và xây dựng dự thảo Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh.

Ngày 12/11/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Nghị định đã cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành thuộc các lĩnh vực: An toàn thực phẩm; Khám chữa bệnh; Dược - Mỹ phẩm; Y dược cổ truyền; Hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Phòng, chống HIV/AIDS; Sức khỏe sinh sản. Đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý trang thiết bị y tế.

Kết quả thực hiện của Bộ Y tế là:

Ngày 21/6/2016, Bộ Y tế đã có văn bản số 3488/BYT-TB-CT gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả rà soát về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Y tế hiện đang tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Nội dung này đang giao cho Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối thực hiện theo Kế hoạch số 231/KH-BYT ngày 08/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bo-y-te-tra-loi-ve-lo-trinh-sua-doi-chinh-sach-va-cat-giam-tthc/375209.vgp