Bộc lộ những vấn đề về cấu trúc dài hạn của nền kinh tế

'Về cơ bản, chính sách cần hướng tới khai thác những tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, tránh khuynh hướng phản ứng chống đối quá trình 'phá hủy sáng tạo' của các ngành mới và công nghệ mới. Nếu thành công, cải cách đó sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hướng tới giảm sự phụ thuộc quá cao của tăng trưởng kinh tế vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, áp dụng tiến bộ công nghệ sẽ giúp Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu'- Đánh giá này được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra ngày 11/10/2017 tại Hà Nội.

Góc nhìn từ thực tế vận động của nền kinh tế

Nhận định về nền kinh tế Việt Nam (tính đến cuối tháng 9/2017), VEPR chỉ ra rằng: Về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI.

Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng 4/2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số.

Theo VEPR, về cuối năm, lạm phát có xu hướng gia tăng. Cụ thể, áp lực tăng lạm phát đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản (giáo dục, y tế, điện, xăng dầu), chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7/ 2017, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm, và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm.

“Chúng tôi cho rằng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như vậy là thiếu thận trọng”- VEPR mới đây đã nhận định. Tỷ giá có cơ sở để ổn định tới cuối năm.

Mặc dù lượng cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm theo mùa vụ, nhưng sự ổn định tương đối của cán cân vãng lai và trạng thái thặng dư liên tục của cán cân vốn tạo nguồn cung đủ lớn cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, diễn biến kinh tế quý 3 tiếp tục bộc lộ những vấn đề về cấu trúc dài hạn của nền kinh tế.

Phân tích sâu hơn về nhận định trên, các chuyên gia từ VEPR chia ra ba vấn đề. Thứ nhất, cấu trúc thể chế kinh tế chưa đủ vững vàng trong tiến trình hội nhập kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tiến trình cải cách thể chế kinh tế chậm, chưa kích thích được sự sáng tạo đổi mới sâu rộng trở thành nền tảng tăng trưởng lâu dài. Vì thiếu động lực sáng tạo, giải pháp tăng trưởng thường chú trọng vào yếu tố ngắn hạn, đôi khi đi kèm với mệnh lệnh hành chính, nhằm đạt được mục tiêu tạm thời.

Thứ hai, Việt Nam vẫn đang ở mức thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu thấp vì dựa chủ yếu vào mức thâm dụng lao động giá rẻ, do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản xuất gia công và hầu như không dựa vào tiến bộ công nghệ trên cơ sở nghiên cứu và phát triển.

Yếu tố này tiếp tục giữ Việt Nam trong tư thế một điểm đến cho quá trình gia công sản phẩm, thay thế cho một số nước đang chuyển lên nấc thang cao hơn như Trung Quốc, Thái Lan.

Thứ ba, nền kinh tế có xu hướng phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI. Bên cạnh cơ cấu xuất khẩu, sử dụng lao động và sản lượng công nghiệp, sự phụ thuộc này cũng thể hiện ở vai trò then chốt của tăng trưởng đầu tư từ khu vực FDI đối với sự phục hồi của tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong khi đó, chi đầu tư công tiếp tục chỉ chiếm tỷ trọng tương đối khiêm tốn so với chi thường xuyên và trả lãi và nợ gốc trong tổng chi NSNN.

Tránh khuynh hướng phản ứng chống đối quá trình “phá hủy sáng tạo” của các ngành mới và công nghệ mới

“Thực tế này cho thấy Việt Nam có ít khả năng cải thiện năng suất toàn xã hội trong trung hạn, và đa phần thành quả kinh tế phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”- VEPR đánh giá. Trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Trung Quốc đang tăng trưởng tích cực cùng với sự lên giá của đồng Euro và đồng Nhân dân tệ, xuất khẩu của Việt Nam sẽ được lợi đáng kể nếu biết tận dụng cơ hội để tập trung vào hai thị trường lớn này.

Trước xu hướng gia tăng lạm phát vào quý cuối năm, VEPR đưa ra lưu ý rằng: NHNN cần thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định, vì dụ 5%. Ngoài ra, Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh giãn tiến độ tăng giá mặt hàng cơ bản tùy theo diễn biến của lạm phát.

Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tình thế vì mang tính hành chính. Chính phủ cũng cần thực hiện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hữu hiệu và thực chất.

Tốc độ giải ngân chậm như hiện nay sẽ làm giảm hiệu quả của giải pháp tăng đầu tư công trong gói giải pháp vừa ban hành của Chính phủ, đồng thời gây ách tăng thanh khoản cho các nhà thầu trong khu vực tư nhân.

Do đó, chính sách về giải ngân vốn cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, đặt thời hạn hoàn thành tiến độ phù hợp.

Với tình trạng bội chi NSNN dai dẳng trong thời gian qua, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả chi tiêu công, củng cố nguồn thu NSNN cũng là giải pháp cần chú trọng.

Sắp tới, Bộ Tài chính dự định đề xuất dự thảo cải cách thuế, trong đó có đề nghị tăng thuế VAT. Tăng thuế giúp cải thiện nguồn thu trong ngắn hạn nhưng lại tăng gánh nặng lên nền kinh tế, giảm hiệu quả và động lực chung, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng và do đó là cơ sở nguồn thu.

Do đó rất nên thận trọng với việc tăng thuế VAT. Cụ thể, giải pháp cần thiết là xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin tài chính hiệu quả và minh bạch của người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu lực của nguồn thuế trực thu hiện hành.

Bên cạnh đó, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải các thể chế và hành chính, đặc biệt chú trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, qua đó duy trì nguồn thu bền vững.

Ngoài những chính sách ngắn hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, các phân tích về cơ cấu kinh tế quý 3 cũng đặt ra những gợi ý cho chính sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo vệ quyền sở hữu và nhà đầu tư, tạo môi trường phát huy sự sáng tạo công nghệ.

Theo VEPR, chính sách cần hướng tới khai thác những tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, tránh khuynh hướng phản ứng chống đối quá trình “phá hủy sáng tạo” của các ngành mới và công nghệ mới.

Nếu thành công, cải cách đó sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hướng tới giảm sự phụ thuộc quá cao của tăng trưởng kinh tế vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, áp dụng tiến bộ công nghệ sẽ giúp Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mạnh mẽ hơn dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và tuân thủ nghiêm túc quy định, luật pháp quốc tế trong hội nhập. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu về sự thay đổi tầm nhìn của những nhà làm chính sách”- Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu.

Bắc Sơn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/boc-lo-nhung-van-de-ve-cau-truc-dai-han-cua-nen-kinh-te-3903544-b.html