Bộc lộ sự chia rẽ và mất phương hướng

Giới chuyên gia phân tích dùng cụm từ này để miêu tả tình cảnh hiện nay trong nội bộ đảng Cộng hòa Mỹ khi Hạ viện tiếp tục bế tắc khi trải qua 11 lần bầu Chủ tịch Hạ viện nhưng lãnh đạo đảng Cộng hòa tại viện này là Kevin McCarthy vẫn không giành được đa số phiếu bầu. Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ, Hạ viện Mỹ mới không thể bầu được một chủ tịch trong lần bỏ phiếu đầu tiên.

Thông thường, chức vụ Chủ tịch Hạ viện thường được chọn ngay ngày đầu tiên Quốc hội mới tiếp quản, theo sau đó là màn tuyên thệ nhậm chức của các thành viên mới. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ năm nay đã bước sang ngày thứ 3 song vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Thất bại trong bỏ phiếu đã đẩy phe đa số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn và trì hoãn các hoạt động của viện.

Mỗi quốc hội mới phải thông qua một bộ quy tắc mới của Hạ viện. Tuy nhiên, trong trường hợp không có chủ tịch giám sát việc áp dụng các quy tắc đó, về mặt kỹ thuật, coi như chưa có quy tắc mới nào có hiệu lực. Theo nội dung một lá thư gửi từ ủy ban phụ trách các vấn đề hành chính đăng trên tờ Politico, trong trường hợp Hạ viện không phê duyệt bộ quy tắc vào đúng hạn 13/1, các ủy ban sẽ không thể trả lương cho nhân viên. Bên cạnh đó, các khoản thanh toán khoản vay cho nhân viên ủy ban sẽ không được giải ngân nếu bộ quy tắc không được thông qua vào giữa tháng 1. Đối với các ủy ban chưa xác định được chủ tịch, người tạm thời điều hành sẽ là một đảng viên Cộng hòa cấp cao nhất của ủy ban.

Ông Kevin McCarthy đã thất bại sau 11 lần bỏ phiếu. Ảnh: Getty Images

Ông Kevin McCarthy đã thất bại sau 11 lần bỏ phiếu. Ảnh: Getty Images

Trong trường hợp các ủy ban chưa thể hoạt động trở lại như bình thường, điều này có nghĩa là các đảng viên Cộng hòa có thể phải đợi nếu muốn giải quyết một số ưu tiên cấp bách, bao gồm các cuộc điều tra về chính quyền và gia đình của Tổng thống Joe Biden. Hạ nghị sĩ Brian Fitzpatrick, một thành viên đảng Cộng hòa của bang Pennsylvania, cho biết: “Chúng tôi chỉ kiểm soát một trong ba nhánh chính phủ và hiện nhánh này đang tê liệt. Đó là một điều rất nguy hiểm đối với đất nước của chúng ta và nó không thể tiếp tục kéo dài hơn nữa. Ủy ban Tình báo Hạ viện đang giám sát 19 cơ quan tình báo nhưng chúng tôi đang không thể hoạt động”. Ngoài vai trò điều hành Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện còn nằm trong danh sách kế vị tổng thống, từ đó đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra nếu không có ai đứng ở vị trí thứ hai cho chức tổng thống sau phó tổng thống trong trường hợp khẩn cấp. Trong danh sách kế vị, Chủ tịch Thượng viện đứng thứ 3. Ngày 3/1 vừa qua, Thượng nghị sĩ Patty Murray đã được bầu làm Chủ tịch Thượng viện, khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Theo tờ New York Times, nếu không có chủ tịch, Hạ viện Mỹ về cơ bản sẽ là một thực thể “vô dụng”. Việc không thể tìm được lãnh đạo đồng nghĩa không có nhà lập pháp nào đứng ra xử lý tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng. Sẽ không có quy tắc, dự luật hoặc nghị quyết nào được thông qua, trong khi quy trình lập pháp bị đình trệ. Không có chủ tịch, Hạ viện cũng không thể giám sát chính phủ liên bang hoặc bất kỳ tổ chức nào khác.

Luật pháp và các tiền lệ quy định Hạ viện phải bầu lãnh đạo trước khi các nhà lập pháp có thể thực hiện bất kỳ công việc nào. “Nếu có một trường hợp khẩn cấp thực sự, chúng tôi không thể ứng phó”, ông Jerrold Nadler, đảng viên Dân chủ đồng thời là Hạ nghị sĩ bang New York nói. Trong khi đó, theo ông Dan Kildee, đảng viên Dân chủ đến từ bang Michigan, ông hy vọng trong trường hợp khẩn cấp, các đảng viên Cộng hòa sẽ có thể nhanh chóng thống nhất chọn ra chủ tịch để quốc hội có thể phản ứng kịp thời.

Tờ New York Times cũng đã đăng tải bài phân tích mang tiêu đề “Cuộc đua vào vị trí Chủ tịch Hạ viện đã để lộ sự chia rẽ và mất phương hướng của đảng Cộng hòa”. Tác giả bài viết nhận định, sự thất bại sau nhiều lần bỏ phiếu là một thất bại đáng xấu hổ. Nó thể hiện những khó khăn mà đảng Cộng hòa gặp phải trong việc điều hành, ở ngay những điều cơ bản nhất và việc thiếu một chương trình nghị sự thống nhất. Dẫn lời chiến lược gia của đảng Cộng hòa John Feehery, nhận định nhiều nghị sỹ “không thích Kevin McCarthy và dường như họ không thể tìm ra cách để thích ông ấy”. Điều này đã thể hiện tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các đảng viên đảng Cộng hòa phải đối mặt, đó là bất kể có những nhượng bộ nào, họ cũng sẽ không mủi lòng và bỏ phiếu cho ông Kevin McCarthy, ngay cả khi điều đó vì lợi ích lớn hơn của đảng và của cả quốc gia.

Trong khi đó, hãng CNN có bài viết đặt dấu hỏi “Nếu không phải McCarthy, thì sẽ là ai?”. Theo bài viết, trong khi nghị sỹ Kevin McCarthy vẫn đang loay hoay tìm đủ số phiếu bầu cần thiết để trở thành tân Chủ tịch Hạ viện, một bộ phận trong đảng lại muốn ông Steve Scalise, nhân vật số 2 trong ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, thế chỗ ông Kevin McCarthy. Một số nghị sĩ bảo thủ đã đề nghị ông Steve Scalise công khai thách thức ông Kevin McCarthy để giành ghế Chủ tịch Hạ viện, nhưng ông đã từ chối cũng như tìm cách tránh mọi động thái có thể dẫn đến nghi vấn ông muốn lật đổ người cộng sự lâu năm. Bài viết cũng đặt ra một vấn đề, đó là nếu ông Steve Scalise tranh cử lãnh đạo, liệu ông có chắc chắn giành đủ 218 phiếu từ đảng Cộng hòa hay không. Một số ứng viên khác đủ năng lực thay ông Kevin McCarthy là nghị sĩ Patrick McHenry của bang Bắc Carolina, Jim Jorrdan của bang Ohio thuộc phe bảo thủ và Tom Cole của bang Oklahoma. Tuy nhiên, cả ba người đều không công khai thể hiện tham vọng tranh cử.

Sự chia rẽ trong cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện vừa qua và rộng hơn, là mâu thuẫn nội bộ trong đảng Cộng hòa đang tác động tiêu cực đến hình ảnh của đảng này đồng thời đặt ra những thách thức to lớn cho việc triển khai các chương trình nghị sự trong thời gian tới, thậm chí là tác động cả đến cuộc bầu cử Tổng thống hai năm tới. Mâu thuẫn trong đảng Cộng hòa càng làm nổi bật hình ảnh thống nhất, đoàn kết của đảng Dân chủ khi trong tất cả các vòng bỏ phiếu vừa qua, ứng cử viên của đảng này, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries đều nhận được đủ 212 phiếu ủng hộ. Việc chưa bầu chọn được Chủ tịch Hạ viện cũng đang vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sĩ và dư luận Mỹ khi cho rằng có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và hoạt động của cả quốc hội và chính quyền. Sau khi bầu Chủ tịch, các nghị sĩ đắc cử sẽ tuyên thệ và chính thức đảm nhiệm vị trí của mình, toàn thể quốc hội sẽ thông qua Bộ quy tắc hoạt động của Hạ viện mới. Với việc không thể tuyên thệ, các nghị sĩ đắc cử không được tham dự các cuộc họp quan trọng, không thể đề xuất và thông qua các dự luật. Thậm chí, nếu chưa thể thông qua được Bộ quy tắc hoạt động mới vào cuối tuần sau, các ủy ban thậm chí còn không có ngân sách để trả lương cho nhân viên.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/boc-lo-su-chia-re-va-mat-phuong-huong-i680309/