“Bóc ngắn, cắn dài”

(HNM) - "Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) biển đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, nhất là khu vực biển ven bờ. Sự suy giảm NLTS đã có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh sống của ngư dân ven biển".

(HNM) - "Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản (NLTS) biển đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, nhất là khu vực biển ven bờ. Sự suy giảm NLTS đã có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh sống của ngư dân ven biển".

Nội dung này vừa được các chuyên gia thủy sản nhận định trong hội nghị dự thảo về chương trình bảo vệ và phát triển NLTS đến năm 2020. Việc làm cấp bách hiện nay là cả cộng đồng tham gia bảo vệ NLTS nhằm phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngư dân Đà Nẵng đánh bắt hải sản. Ảnh: TTXVN

NLTS đang bị đe dọa

Ông Nguyễn Việt Cường, đại diện Cục Khai thác và Bảo vệ NLTS (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay đã xác định được khoảng 12.000 loài sinh vật biển ở nước ta có nguy cơ bị tuyệt chủng. NLTS ven bờ đang bị khai thác quá giới hạn cho phép từ 10-20%, chủ yếu ở các loại cá và tôm biển. Chất lượng môi trường sống của các loài thủy sinh vật có xu hướng ngày càng giảm, thậm chí ở nhiều nơi đã xuất hiện dấu hiệu ô nhiễm cục bộ, nhiều hệ sinh thái thủy sinh bị xâm hại như cỏ biển, san hô. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm NLTS, song chủ yếu là do nhận thức của người dân về bảo vệ NLTS còn hạn chế, khai thác quá mức, chưa quan tâm tới việc khai thác nhưng phải bảo vệ; thiếu chế tài khi xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác NLTS. Các hoạt động quan trắc, giám sát diễn biến của ngư trường, NLTS chưa được triển khai, cho đến nay Việt Nam chưa lập được bản đồ NLTS; hoạt động thống kê, báo cáo khai thác thủy sản mới chỉ dừng ở các quy định nên còn nhiều bất cập. Công nghệ khai thác hầu như không đổi mới, phương pháp, ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi và môi trường sống; chất nổ xung điện, chất có độc tố vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương. Tàu thuyền khai thác thủy sản từ năm 2005-2010 tăng khoảng 50%, chủ yếu là các tàu có công suất nhỏ dưới 50CV nên NLTS ven bờ ngày càng bị khai thác nhiều. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS, đặc biệt là trong sản xuất giống, tái tạo, phục hồi mật độ quần thể đối với một số loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Công tác bảo đảm thi hành pháp luật về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản còn bất cập…

Đồng bộ các giải pháp

Ông Nguyễn Văn Chiêm, chuyên gia thủy sản cho rằng, để khai thác và bảo vệ NLTS một cách hợp lý, có tính chiến lược lâu dài, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ khai thác ven bờ ra xa bờ hoặc các ngành nghề thay thế khác dưới hình thức vay tín dụng với lãi suất ưu đãi; tổ chức hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật khai thác cho ngư dân. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc bảo vệ NLTS. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động lai tạo, sản xuất giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao; xây dựng hệ thống các khu bảo tồn, khu vực bảo vệ NLTS kết hợp với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám… vào quản lý, kiểm soát khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh; gắn thẻ đối với một số loài động vật thủy sinh di dư…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, bảo vệ và phát triển NLTS là trách nhiệm của cả cộng đồng. Các đơn vị của ngành cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm hơn tới công tác dự báo ngư trường, cập nhật hơn các số liệu về thành phần loài, trữ lượng, sản lượng khai thác và biến động quần thể để có cái nhìn tổng quan, chính xác hiện trạng NLTS tại 63 tỉnh, thành phố. Các đơn vị của ngành NN&PTNT đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng cư dân để quản lý nguồn lợi, hệ sinh thái và môi trường, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm khai thác NLTS quá mức phải có hình thức xử phạt nghiêm đối với cá nhân, tập thể theo đúng Luật Thủy sản, Luật Môi trường và Luật Đa dạng sinh học. Nhất thiết phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của ngư dân về bảo vệ và phát triển NLTS. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam xây dựng 9 dự án ưu tiên bảo vệ, phát triển NLTS. Đầu tư xây dựng 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa; thả bổ sung và tái tạo giống thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao vào hệ thống các hồ chứa vừa và lớn; phục hồi, nhân giống nguồn lợi tôm biển. Bộ NN&PTNT sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện dự thảo chương trình bảo vệ và phát triển NLTS trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12-2011.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/kinh-te/530913/boc-ngan-can-dai.htm/