Bóc tách sức công phá của đầu đạn hạt nhân W76-2

Trong khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phản đối ý tưởng trang bị vũ khí hạt nhân 'công suất thấp' cho tàu ngầm, Mỹ đã hoàn thành sản xuất một lô đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2 mới nhất.

Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Mỹ đã thông báo, các đầu đạn mới đã được giao cho Hải quân để trang bị cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM Trident II (D5) bố trí trên các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Ohio đang trực chiến.

Tổng số đầu đạn được chuyển giao trong lô không được tiết lộ. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, Lầu Năm Góc đã nhận được không dưới 50 đầu đạn hạt nhân mới W76-2 với đương lượng 5-6 kiloton (1 kiloton tương đương 100.000 tấn TNT) từ tháng 11/2019 đến nay.

Hải quân Mỹ đã nhận lô đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2 mới nhất. (Nguồn: Top War)

Hải quân Mỹ đã nhận lô đầu đạn hạt nhân công suất thấp W76-2 mới nhất. (Nguồn: Top War)

Trident là một dòng tên lửa đạn đạo động cơ đẩy 3 tầng phóng từ tàu ngầm của Mỹ. Tên lửa này có thể mang theo 14 đầu đạn W76 (100 kiloton) hoặc 8 đầu đạn W88 (475 kiloton), cũng đang được nâng cấp. Đáng lưu ý, mỗi SSBN mang hai tên lửa gắn đầu đạn "công suất thấp", 18 tên lửa Trident II còn lại vẫn được trang bị đầu đạn W76-1 có công suất 90 kiloton và W88 có công suất 455 kiloton.

Chạm tới bất cứ mục tiêu nào

Được biết, W76 là một đầu đạn nhiệt hạch, được thiết kế để sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ biển UGM-96 Trident I (SLBM) có tầm bắn hơn 12.000km và sau đó được chuyển sang UGM-133 Trident II (D-5) khi Trident I bị loại bỏ dần dần. Biến thể đầu tiên, W76 mod 0 (W76-0, công suất 100 kiloton;) do Phòng thí nghiệm Los Alamos National thiết kế, được sản xuất từ năm 1978 đến năm 1987 và dần được thay thế bằng W76 mod 1 (W76-1, công suất 90 kiloton) từ năm 2008 đến 2018.

Đầu đạn W76-2 lần đầu tiên được nhắc đến trong Tạp chí Đánh giá Tình trạng Hạt nhân (NPR) của chính quyền của Tổng thống Trump được công bố vào tháng 2/2018. Có thông tin cho biết, năm 2018, một số đầu đạn Mod 1 sẽ được chuyển đổi sang phiên bản mới W76 mod 2 (W76-2) công suất thấp. Các đầu đạn Mod 2 đầu tiên có công suất 5-7 kiloton (bằng 1/3 công suất quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) tháng 8/1945) đã được triển khai cho tàu USS Tennessee vào cuối năm 2019 thay thế đầu đạn W68 có công suất 50 kiloton.

Theo một số nguồn tin, trong số 20 tên lửa trên tàu ngầm USS Tennessee (SSBN-734), có 1-2 tên lửa được gắn đầu đạn W76-2 đơn lẻ hoặc đa đầu đạn. 18 tên lửa còn lại mang theo đầu đạn W76-1 hoặc W88 (455 kiliton). Mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn theo cấu hình đạn hiện tại, có thể phóng tới bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất trong thời gian ngắn.

W76-2 và ý định "kiềm chế Nga"

Giám đốc dự án thông tin vũ khí hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Hans Christensen cho biết, W76-2 được lên kế hoạch tạo ra trên cơ sở đầu đạn nhiệt hạch W76-1 bằng cách loại bỏ nhiên liệu nhiệt hạch (uranium, lithium và deuterium), do đó chỉ còn lại plutonium kích hoạt và công suất của vũ khí mới giảm từ 100 xuống còn 5-6 kiloton. Một số chuyên gia khác cho rằng, công suất nổ nhỏ hơn có thể được tạo ra bằng cách loại bỏ hoặc vô hiệu hóa giai đoạn nổ thứ cấp của đầu đạn W76-1.

Năm 2019, tờ Defense News dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ cho biết, việc sản xuất đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ W76-2 đang được thực hiện. Phân xưởng sản xuất W76-2 đầu tiên (FPU) đã được hoàn thành tại Nhà máy Pantex (Texas) vào tháng 2/2019. Khoảng 50 đầu đạn W76-2 sẽ được sản xuất. Khoảng 65 triệu USD đã được Quốc hội Mỹ duyệt cho công việc chế tạo đầu đạn W76-2 trong tài khóa 2019 và 10 triệu USD được phân bổ để hoàn thành công việc vào năm 2020.

Quyết định tái trang bị một số tên lửa mang đầu đạn hạt nhân "công suất thấp" được chính quyền Trump đưa ra nhằm "kiềm chế Nga". Đề xuất được đưa ra vì theo các nhà hoạch định chính sách và giới quân sự Mỹ, Moscow có thể cho rằng Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân của mình trong trường hợp xảy ra đối đầu với Liên bang Nga để tránh nguy cơ xung đột khu vực leo thang thành chiến tranh hủy diệt toàn cầu, vì vũ khí hạt nhân hiện tại có công suất quá mạnh.

Tuy nhiên, quyết định trên đã gây ra phản ứng trái chiều. Theo một số chuyên gia, dù sao đối phương vẫn sẽ không phát hiện ra rằng một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân công suất thấp hơn đã được phóng tấn công mình và để đáp trả lại sẽ phóng tên lửa của mình, nhưng với công suất mạnh hơn.

Nguy cơ lớn hơn là các đòn đánh bằng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ vẫn có thể dẫn tới chiến tranh hủy diệt, sử dụng những đầu đạn lớn nhất trong kho vũ khí của Nga và Mỹ. Như vậy, mục đích “kiềm chế Nga” cũng như vấn đề an ninh hạt nhân vẫn không hề được cải thiện.

(theo Top War và VOV)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/boc-tach-suc-cong-pha-cua-dau-dan-hat-nhan-w76-2-132845.html