'Bốc thuốc' đặc biệt điều trị cơn sốt giá vàng

Chuyên gia cho rằng, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng ... sẽ là biện pháp đặc biệt quan trọng để đảm bảo minh bạch thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề buổi đối thoại chính sách do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - bày tỏ tiếc nuối khi Việt Nam không thể xây dựng thương hiệu, xuất khẩu vàng thủ công mỹ nghệ, do Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng.

“Việt Nam có tiếng về gia công vàng trang sức, nếu vàng trong nước giá ngang bằng giá thế giới, chúng ta có thể xuất khẩu trang sức như cách Trung Quốc, Ấn Độ thực hiện. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng 2 hai nước này”, ông Nghĩa cho biết.

Chênh lệch giá vàng SJC với vàng thế giới có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng SJC với vàng thế giới có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng.

Nếu “trị” được chênh lệch giá vàng trong nước, thế giới, ông Nghĩa cho rằng, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu trang sức có thể bù đắp cho phần nguyên liệu nhập khẩu. Ông Nghĩa khuyến nghị bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, Nhà nước chuyển sang quản lý bằng thuế.

“Theo thông lệ quốc tế, yêu cầu của Hội đồng Vàng Thế giới, kinh doanh vàng phải có hóa đơn minh bạch. Chúng ta cũng cần minh bạch hóa thị trường nội địa, áp dụng hóa đơn điện tử”, vị chuyên gia đề xuất.

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, giá trị nhập khẩu vàng mỗi năm chỉ khoảng 3 tỷ USD, chưa bằng 50% rau củ, hay 20% kiều hối, không quá lo lắng về tỷ giá. Tuy nhiên, mức thuế cần cân nhắc vừa phải, nếu cao quá, tình trạng vàng lậu sẽ diễn ra”, ông Nghĩa cảnh báo.

GS-TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, nên coi vàng đúng nghĩa là tài sản cất trữ, đầu tư, để thị trường tự điều tiết dưới sự quản lý của Nhà nước.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

GS-TS Hoàng Văn Cường.

Nếu hướng tới mục tiêu hạ giá vàng, ông Cường đề nghị cơ quan quản lý thay đổi cách thức đấu thầu vàng hiện nay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét thay đổi kỹ thuật, hạ giá đầu thầu, chọn người mua thấp nhất, cam kết bán ra thị trường cũng với giá thấp nhất. Giá tham chiếu nên xác định bằng giá quốc tế, cộng với các loại thuế, chi phí để tạo sự liên thông với thế giới.

Tương tự, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán giá hài hòa giữa các bên, chấp nhận giá sàn thấp hơn để tăng tỷ lệ đấu thầu thành công. Ông Lực nhận định, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa đấu thầu vừa thăm dò thị trường. Đây là chỉ giải pháp tình thế, về lâu dài, để tăng nguồn cung, vị chuyên gia mong muốn Chính Phủ xem xét cho doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng, xuất nhập khẩu.

“Việc thanh kiểm tra, giám sát việc trục lợi chính sách cũng cần được tăng cường. Quản lý thị trường vàng là câu chuyện quan nhiều bộ ngành, cần phân vai rõ ràng, sớm sửa đổi Nghị định 24”, ông Lực đề xuất.

Nhóm nghiên cứu của VEPR và Think Future cho rằng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, các biện pháp như thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... có thể mang tới hiệu quả tức thì.

Công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, do đó, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu ồ ạt để bình ổn giá.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/boc-thuoc-dac-biet-dieu-tri-con-sot-gia-vang-post1638047.tpo