Boeing dự đoán thị trường máy bay phản lực có thể đạt 8.000 tỷ USD

Hãng máy bay Mỹ cho rằng các mẫu máy bay phản lực sẽ mang lại doanh thu 8.000 tỷ USD cho toàn ngành trong 2 thập kỷ tới, nhưng 76% doanh số lại thuộc về đối thủ châu Âu Airbus SE.

Theo Bloomberg, hãng máy bay hàng đầu thế giới Boeing đang dự đoán rằng sẽ có thêm khoảng 42.595 máy bay phản lực mới được bán ra trong vòng 2 thập kỷ tiếp theo, với tổng giá trị khoảng 8.000 tỷ USD.

"Số liệu thống kê mới nhất về việc giao hàng trên toàn ngành trong 20 năm tới của chúng tôi đang ngày càng tăng, đặc biệt là đối với các sản phẩm máy bay phản lực", ông Darren Hulst, Phó chủ tịch mảng quảng cáo - tiếp thị của Boeing cho biết.

Dự báo này bất chấp những lo ngại về khả năng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến cách du lịch của người dân toàn cầu.

Theo ông Darren Hulst, khi chính phủ các nước kêu gọi người tiêu dùng chuyển sang các phương tiện thân thiện với môi trường hơn như tàu hỏa, số lượng các chuyến bay thương mại dưới 800 km sẽ giảm dần.

Điều này sẽ khiến khả năng khai thác và thu lợi nhuận từ chuyến bay ngắn của các hãng hàng không sụt giảm, và điều mà họ cần làm để cải thiện doanh thu là tăng năng suất cho đội bay.

Boeing ước tính rằng các hãng sẽ tìm cách tăng thêm khoảng 20% năng suất cho đội bay hiện tại, bằng cách chuyển sang các dòng máy bay lớn hơn, tăng chỗ ngồi hoặc giữ cho các máy bay bay nhiều giờ hơn mỗi ngày. Và đây chính là lúc mà các máy bay phản lực được săn đón, chúng có lợi thế về tốc độ, diện tích và cả thiết kế hơn nhiều so với máy bay thông thường.

Tương tự như Boeing, Airbus SE cũng dự đoán sẽ có thêm khoảng 40.850 máy bay phản lực mới gia nhập thị trường thương mại trong 2 thập kỷ kế tiếp.

Theo dự đoán của Airbus, các máy bay phản lực chuyên dụng của hãng như A737 Max và A320neo sẽ chiếm khoảng 80% doanh thu dự kiến trong khoảng thời gian này, trong khi Boeing cho rằng con số này sẽ khoảng 76%.

Do đó, dù dự báo tiềm năng thị trường lên tới 8.000 tỷ USD, Boeing vẫn quyết định giảm sản xuất các mẫu máy bay phản lực của mình và tạm thời bớt chú ý đến các thị trường có nhu cầu kém.

Chính bản thân ông Hulst còn cho rằng nhà sản xuất máy bay của Mỹ hiện không có sản phẩm nào đủ để cạnh tranh trực tiếp với các dòng A737 Max và A320neo của đối thủ châu Âu.

"Chúng tôi không có khả năng bao phủ toàn bộ thị trường, nhất là khi ngành sản xuất máy bay này còn rất phức tạp", ông cho biết.

Hằng Nga

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/boeing-du-doan-thi-truong-may-bay-phan-luc-co-the-dat-8000-ty-usd-post1440935.html