Bối cảnh quay phim tại Việt Nam: 'Nàng tiên' cần được đánh thức

Với lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, Việt Nam có tiềm năng trở thành điểm đến của các đoàn làm phim trên thế giới. Nhưng làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến của các đoàn làm phim nổi tiếng trên thế giới?

Đây là vấn đề đã được nêu ra tại hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” do Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI, năm 2019 (LHP) tổ chức ngày 24-11 tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hội thảo đã thu hút khá đông các đại biểu là nhà làm phim trong nước và quốc tế, nổi bật trong đó có nhà sản xuất, đạo diễn của bộ phim đình đám của Hàn Quốc-phim “Ký sinh trùng” vừa đoạt giải Oscar năm nay; các nhà sản xuất phim đến từ Ba Lan, Nhật Bản, Mỹ…

 Ông Trần Nhất Hoàng đề xuất những phương án quảng bá bối cảnh quay Việt Nam ra thế giới.

Ông Trần Nhất Hoàng đề xuất những phương án quảng bá bối cảnh quay Việt Nam ra thế giới.

Thực tế nhiều bộ phim Việt Nam đã mang đến những trải nghiệm tuyệt vời về thiên nhiên, di sản. Khán giả đã phải choáng ngợp trước cảnh sắc tuyệt đẹp của tỉnh Phú Yên trên những thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ). Bộ phim đã khiến khán giả sửng sốt bởi những khung hình nên thơ và hùng vĩ mô tả cảnh sắc làng quê Phú Yên với những đồng lúa rì rào hoa vàng đong đưa trong gió, màu xanh ngọc bích của nước biển với con tàu lặng lẽ trôi, những con lạch, con suối có trâu bò lội qua hay những ghềnh đá ven biển…Tạo nên các tour du lịch đến xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”.

Với quốc tế, nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang là quốc gia có xu hướng được các đoàn làm phim chọn lựa làm bối cảnh quay phim. Rất nhiều bộ phim nổi tiếng được quay tại Việt Nam, tiêu biểu là 3 bộ phim Pháp gồm “Đông Dương”, do đạo diễn Régis Wargnier thực hiện, công chiếu lần đầu năm 1992, lấy bối cảnh Việt Nam trong thời gian là thuộc địa của Pháp; phim “Điện Biên Phủ” do đạo diễn kiêm biên kịch Pierre Schoendoerffer thực hiện; phim “Người tình” của đạo diễn Jean-Jacques Annaud; gần đây là bộ phim Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu”...

Bối cảnh phim “Kong: Đảo đầu lâu” đã mở ra tour du lịch trải nghiệm tại Ninh Bình khai thác trong 2 năm.

Ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, sau khi bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” được quay tại Việt Nam ra mắt đã mở ra một chương mới cho điện ảnh Việt Nam, thế giới biết đến Việt Nam là một đất nước với cảnh đẹp hiếm có. Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long của Việt Nam là bối cảnh trong bộ phim đang trở thành ba địa danh được nhắc đến nhiều nhất sau khi bom tấn Hollywood “Kong: Đảo đầu lâu” được quay chủ yếu tại đây.

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm với các đoàn làm phim quốc tế, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng, các quốc gia đã đánh giá Việt Nam là đất nước có cảnh đẹp, con người thân thiện, giá cả phải chăng, ẩm thực ngon, văn hóa phong phú... Ông Trần Nhất Hoàng lấy dẫn chứng, nhà sản xuất của bộ phim- Alex Garcia từng chia sẻ: “Được quay phim tại đất nước Việt Nam với những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là một đặc ân lớn lao đối với đoàn làm phim chúng tôi. Hy vọng Việt Nam sẽ trở thành phim trường mới của Hollywood và thế giới trong tương lai”.

Cũng theo ông Trần Nhất Hoàng, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam khi các cảnh đẹp xuất hiện ở các bộ phim nổi tiếng, được quay bởi các nhà quay phim hàng đầu, các đạo diễn nổi tiếng, diễn viên nổi tiếng thế giới sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn. “Ví dụ khi nữ diễn viên nổi tiếng của phim “Kong: Đảo đầu lâu” đến Việt Nam, cô đội nón lá, ăn bún chả và đăng trên trang cá nhân của cô ấy thì hàng triệu người xem ngay lập tức. Đó là điều mà kênh quảng bá chính thống của chúng ta khó có thể làm được- ông Trần Nhất Hoàng cho hay.

Bối cảnh quay phim “Đông Dương” tạo sức hút với khán giả quốc tế về một Cố đô Huế cổ kính.

Cũng theo ông Trần Nhất Hoàng, để phát triển nền công nghiệp điện ảnh, thu hút các nhà làm phim vào Việt Nam thì chúng ta còn thiếu chính sách riêng cho các đoàn làm phim. Ở nhiều nước, họ có chính sách riêng cho các đoàn làm phim, ví dụ như chính sách hoàn thuế. Chúng ta cũng còn thiếu thông tin quảng bá ra nước ngoài; thiếu ngành bổ trợ như dịch vụ và kinh nghiệm (đạo cụ, thiết bị)… Ông Trần Nhất Hoàng đề xuất những phương án quảng bá bối cảnh quay Việt Nam ra thế giới như việc mời nghệ sĩ nổi tiếng thế giới giới thiệu về cảnh quay của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp chủ động hoàn thiện dịch vụ, hoàn thiện ngành công nghiệp phục vụ quay phim đủ uy tín, quy mô và chuyên nghiệp; tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với các hãng phim, các đại lý lớn của thế giới.

Giám đốc phụ trách châu Á- Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) - James Cheatley cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách cụ thể và rõ ràng về việc đón các đoàn làm phim quốc tế vào làm phim ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản, Australia... đều có chính sách rất đầy đủ cho việc này. Cụ thể nhất, các quốc gia có chính sách hoàn thuế, ưu đãi các đoàn làm phim vào quốc gia họ. Họ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, quảng bá, giới thiệu thời tiết khí hậu, thủ tục, hỗ trợ thiết bị...

“Ngoài cảnh quan thiên nhiên, môi trường để quay phim thân thiện... Việt Nam cần có 1 đầu mối liên lạc để các nhà làm phim nước ngoài kết nối. Đầu mối này có thể giúp các đoàn làm phim các khâu thực hiện như xin giấy phép như thế nào, kết nối với các địa phương trong quốc gia đó, điều gì có thể hay không thể khi đến quốc gia này”-ông James chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho hay: Hiện nay, Bộ VHTTDL đang tiến hành xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi trong đó có những điều khoản liên quan đến việc tạo ưu đãi cho những doanh nghiệp, các nhà sản xuất phim nước ngoài đến thực hiện sản xuất phim, thực hiện các bối cảnh quay tại Việt Nam, nhằm thu hút nhiều hơn nữa những đoàn làm phim quốc tế đến với Việt Nam.

VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/boi-canh-quay-phim-tai-viet-nam-nang-tien-can-duoc-danh-thuc-603458