Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho chiến sĩ trẻ

Hai năm trở lại đây, hoạt động của 'Câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc' (gọi tắt là Câu lạc bộ) tại Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã đi vào nền nếp, trở thành sợi dây gắn kết tình cảm giữa các quân nhân, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa tích cực, lành mạnh trong đơn vị.

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174 diễn ra khá sôi nổi. Bên cạnh đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tác phong chỉnh tề, một số bạn trẻ trong trang phục dân tộc Tày, Thái, Mường, Mông, Dao, Cống... được bố trí đứng riêng một hàng, trên tay cầm các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, chờ đến lượt thể hiện khả năng ngâm thơ, kể chuyện, múa, hát... Nét mặt ai cũng vui tươi, phấn khởi. Để khích lệ tinh thần bộ đội, Thiếu úy Hầu A Giống, dân tộc Mông, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 8 xung phong “trổ tài” trước. Anh cầm trên tay chiếc khèn, loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông, tự hào giới thiệu với cán bộ, chiến sĩ đơn vị nghe về xuất xứ và ý nghĩa của nó. Theo Hầu A Giống, thổi khèn, múa khèn vào các dịp lễ, Tết là phong tục truyền thống đặc trưng, thể hiện nét đẹp văn hóa tiêu biểu của người Mông. Chiếc khèn không đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình mà được xem như sợi dây kết nối giữa cõi trần với thế giới tâm linh. Tiếp đó, Trung đội trưởng Hầu A Giống trao chiếc khèn cho Binh nhất Sồng A Việt, quê ở bản Do, xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La để Việt biểu diễn múa khèn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Chứng kiến “nghệ nhân” Sồng A Việt ôm gọn chiếc khèn trong vòng tay, sử dụng một cách nhịp nhàng các động tác quay đổi chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, có lúc lại nhảy, múa mãnh liệt với những bước nhún, bước đảo chuẩn xác, tinh tế, tạo nên màn vũ đạo độc đáo, đồng chí đồng đội không khỏi trầm trồ, thán phục.

Chiến sĩ dân tộc Mông biểu diễn múa khèn phục vụ cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong Đại hội Đoàn Thanh niên Trung đoàn 174.

Tiết mục múa khèn của Binh nhất Sồng A Việt kết thúc cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ đơn vị có dịp tìm hiểu một dụng cụ quen thuộc của dân tộc Thái, đó là chiếc ếp, qua phần giới thiệu của Binh nhất Chảo Ông Thanh, quê ở bản Ngàm Pai, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Thanh chia sẻ rằng, ếp được đan bằng nan tre, kiểu lóng đôi, hình xương cá khít vào nhau. Khi ở nhà, chiếc ếp dùng đựng ngô, khoai, gạo, khi đi làm nương, nếu ếp loại nhẹ thì người phụ nữ thường đeo bên hông, ếp nặng thì gùi sau lưng. Ngoài sử dụng để đựng đồ, ếp cũng là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.

Không khí buổi sinh hoạt Câu lạc bộ càng ngày càng sôi nổi, hấp dẫn khi các chiến sĩ người dân tộc thiểu số (DTTS) đến từ khắp các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc cùng nhau chia sẻ với đồng đội về phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, kèm theo các hiện vật minh họa cụ thể. Đó là những chiếc áo cóm của phụ nữ dân tộc Thái; là chiếc khăn vấn đầu của đàn ông dân tộc Dao; chiếc khăn Piêu của dân tộc Cống; vòng tay, chuỗi hạt của các thiếu nữ dân tộc Mường... Gặp chúng tôi ngay sau buổi sinh hoạt, Trung sĩ Mà Văn Bình, dân tộc Thái, Trung đội 2, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2 chia sẻ: “Hoạt động này giúp chúng tôi có thêm kiến thức về phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng”.

Theo Trung úy Nguyễn Đức Chánh, Chính trị viên Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, hoạt động của Câu lạc bộ luôn được cán bộ, chiến sĩ mong đợi. Đây là dịp để gắn kết tình cảm đồng chí đồng đội. Để có được nhiều hiện vật trưng bày trong các buổi sinh hoạt, bảo đảm phong phú, đa dạng, đơn vị thường khuyến khích các chiến sĩ DTTS khi về nghỉ phép sưu tầm, hiến tặng đơn vị. Tính đến nay, tiểu đoàn đã có đầy đủ các hiện vật phản ánh nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, được lưu giữ tại Phòng Hồ Chí Minh.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lâm Dũng Tiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 174 cho biết: "Những năm gần đây, tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ DTTS trong đơn vị chiếm hơn 60%. Hoạt động Câu lạc bộ chính là sự cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là môi trường thuận lợi để mỗi cán bộ rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể, nâng cao hiểu biết về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm vùng miền của từng dân tộc, từ đó có thêm kinh nghiệm, khả năng tiếp cận, nắm bắt, quản lý tư tưởng đối với chiến sĩ DTTS".

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/boi-dap-tinh-yeu-van-hoa-dan-toc-cho-chien-si-tre-536015