Bồi dưỡng giáo viên Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Lộ trình dài hơi

Để chuẩn bị thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT đã giao 8 trường đại học (ĐH) sư phạm trên cả nước tổ chức bồi dưỡng giáo viên (GV) cốt cán.

 GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc bồi dưỡng GV là cả quá trình lâu dài theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

Là một trong những trường ĐH được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng GV cốt cán chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới. Vậy trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có sự chuẩn bị thế nào để công tác bồi dưỡng đạt hiệu quả, thưa ông?

- Nhằm thực hiện Chương trình mới, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chủ trì thực hiện bộ tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng. Theo đó, Bộ GD&ĐT lấy bộ tài liệu này và giao cho các ĐH sư phạm sử dụng cho đợt bồi dưỡng GV cốt cán trong toàn quốc, trên cơ sở chương trình ETEP (chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông). Thứ hai, nhà trường đã tập huấn cho đội ngũ GV chủ lực trong trường để tham gia lớp bồi dưỡng. Thứ ba, nhà trường phải làm việc với bộ phận cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin vì đợt bồi dưỡng này vừa trực tiếp vừa qua mạng.

Bồi dưỡng GV là việc làm thường xuyên và đợt bồi dưỡng này chỉ dành cho những cán bộ cốt cán chứ không phải tất cả các GV. Từ đây, các địa phương sẽ bồi dưỡng đại trà cho GV trong hệ thống giáo dục trên cơ sở hỗ trợ, đồng hành của các trường ĐH Sư phạm. Chương trình GDPT mới sẽ thực hiện trong gần một năm nữa, vậy nên, trong quá trình đó phải bồi dưỡng GV liên tục để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, bồi dưỡng GV nhưng lại chưa có sách giáo khoa (SGK) về Chương trình GDPT mới thì sẽ khó đạt hiệu quả, ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

- Tập huấn, bồi dưỡng GV theo chương trình GDPT mới không phụ thuộc vào SGK mà căn cứ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học. Tiếp cận theo yêu cầu mới có thể một chương trình nhưng nhiều bộ SGK. Vì vậy, đội ngũ tập huấn của trường cố gắng hỗ trợ GV cốt cán các phương pháp, sự chuẩn bị và trên cơ sở đó, có thể sử dụng các tài liệu khác nhau. Khi đi bồi dưỡng cho GV, chúng tôi không căn cứ vào SGK để giáo viên thử sáng tạo. Tất nhiên, có sách theo tinh thần mới sẽ tốt hơn nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chờ có sách mới làm.

Theo tôi, một GV luôn luôn phụ thuộc vào sách thì không phải tinh thần của đổi mới. Sách chỉ là một trong các tài liệu để GV chuẩn bị dạy, còn vấn đề cơ bản là chương trình. Sau đó, GV nắm được phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở tìm các nguồn tri thức khác nhau để phục vụ cho việc hình thành phẩm chất và năng lực.

Sự khác nhau giữa chương trình hiện hành và Chương trình GDPT mới như thế nào, thưa ông?

- Nội hàm cốt lõi của hai chương trình không chênh lệch quá nhiều, chỉ có giảm nhẹ hay tăng lên để phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và thống nhất cách tiếp cận. Trước đây, tiếp cận theo tri thức, tức là chỉ truyền đạt và yêu cầu người học biết càng nhiều càng tốt. Còn bây giờ, theo yêu cầu của Chương trình mới, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho chương trình giáo dục phổ thông mới tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tâm

Trước khi bồi dưỡng, GV phải nghiên cứu trước toàn bộ chương trình, từ chương trình tổng thể, chương trình môn học, tư tưởng chỉ đạo… Như vậy, để đạt mục tiêu đề ra, cần lộ trình rất dài cho GV. Từ chương trình yêu cầu phẩm chất, năng lực cần đạt trong từng môn học, nội dung chương trình để xây dựng nội dung bài học. Chương trình GDPT mới vốn không bó hẹp trong một bộ SGK mà có nhiều SGK cho một môn học.

Làm sao để công tác bồi dưỡng tốt, tránh tình trạng “ghi tên trả bài”?

- Năm 2019, trường ĐH Sư phạm Hà Nội được Bộ GD&ĐT giao trọng trách bồi dưỡng cho hơn 5.000 GV phổ thông cốt cán của 10 tỉnh, TP phía Bắc về Chương trình GDPT mới. Nội dung của khóa bồi dưỡng, ngoài giới thiệu chương trình tổng thể, chương trình các môn học của Chương trình GDPT mới, GV cốt cán sẽ được tập trung tìm hiểu, hướng dẫn những phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Tham dự khóa bồi dưỡng, các GV cốt cán ngoài tích lũy các bài học và kinh nghiệm cho bản thân còn có nhiệm vụ trở về địa phương để hướng dẫn GV đại trà cùng triển khai tốt Chương trình GDPT mới.

Qua các lớp bồi dưỡng, chúng tôi nhận thấy, nhận thức của GV lớn tuổi và GV trẻ có khác nhau, có GV tiếp thu chậm nhưng “mưa dầm thấm lâu” và chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực.

Xin cảm ơn ông!

Lưu Ly (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/boi-duong-giao-vien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-lo-trinh-dai-hoi-358127.html