Bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với công chức

Đó là ý kiến của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tại phiên họp Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay 16/11 về vấn đề giải quyết khiếu nại của cử tri.

Phiên họp Quốc hội sáng nay 16/11

Trong 3 ngày (16-18/11), Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Trước đó trên cơ sở giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị:

Đối với Quốc hội Cần nâng cao chất lượng tổng hợp khiếu nại của cử tri, bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp; quan tâm giám sát việc ban hành văn bản, đặc biệt là các văn bản về quy định việc thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản liên quan đến quyền con người ban hành trước Hiến pháp năm 2013...

Trong hoạt động giám sát, cần tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước quan tâm tới chương trình giám sát của Quốc hội, ý kiến cử tri và các chất vấn của ĐBQH. Các ĐBQH quan tâm có nhận xét đánh giá về kết quả giải quyết khiếu nại của cử tri đối với từng Bộ trưởng, Trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đối với Chính phủ

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị, cần chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu, trong đó đặc biệt quan tâm, chỉ đạo: Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị tại Quốc hội Thủ tướng cần chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (hoàn thành trước tháng 5/2018).

Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị Thủ tướng thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời khiếu nại của cử tri theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và ĐBQH được biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.

Cụ thể là, Bộ Tư pháp tổng kết việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đảm bảo phù hợp thực tiễn, tuân thủ Hiến pháp, trong đó đặc biệt là các quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực hiện còn đang có sự chồng chéo. Bộ NN - PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành thông tư quy định danh mục tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức đang công tác tại Trung tâm khuyến nông, Ban quản lý rừng; Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành rà soát, xem xét khiếu nại của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02.

PV

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/boi-duong-nang-luc-dao-duc-cong-vu-doi-voi-cong-chuc-n7712.html