Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí viết về Di sản cho các nhà báo Lào

Từ 17-18/12, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ 'Báo chí viết về Di sản' cho học viên là các nhà báo công tác tại các cơ quan báo chí Trung ương Lào.

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi giảng dạy về di sản trong các tin bài

Tham gia khóa bồi dưỡng gồm 15 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương Lào, do ông Inpone Nakhonsy - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào) làm Trưởng đoàn.

Ông Inpone Nakhonsy cùng đoàn phóng viên Lào

Giảng dạy tại buổi học có PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; GS Trần Lâm Biền và chuyên gia UNESCO Ngô Sỹ Thanh, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Khóa bồi dưỡng tổ chức nhằm hỗ trợ, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo Lào trong việc đưa tin, bài quảng bá về di sản, đất nước, con người Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Lào.

Phát biểu tại khóa bồi dưỡng, PGS,TS Nguyễn Thành Lợi cho biết di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa Quốc gia tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị là những vấn đề lớn, phải phát triển sao cho hài hòa để giá trị di sản là mãi mãi.

Thời gian qua, báo chí phản ánh khá chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa: Phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống; những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; những ngành nghề cổ truyền; các nghi thức, nghi lễ truyền thống… Báo chí đã kịp thời phát hiện, phản ánh những nguy cơ đe dọa hủy hoại di sản văn hóa; từ đó kêu gọi cộng đồng bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản;

Phân tích mặt hạn chế của báo chí viết về di sản, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi cho biết hiện nay có ít bài phân tích một cách khách quan vẻ đẹp, giá trị của các di tích trong khi lại có quá nhiều bài phản ánh những tồn tại, tiêu cực tại các di sản. Một số tờ báo thương mại hóa, câu khách, làm mờ đi bản sắc văn hóa dân tộc… Những điều này làm cho độc giả mất niềm tin vào bộ phận quản lý di tích, khiến di tích bị giảm dần danh tiếng. Bên cạnh đó, có tình trạng để “câu view”, nhiều phóng viên thường đưa các thông tin linh thiêng hóa, thần thánh hóa xung quanh di tích, về lâu dài, điều này cổ xúy cho những hủ tục không tốt.

Về giải pháp nâng cao vai trò của báo chí viết về di sản trong thời gian tới, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi cho biết trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn về báo chí, người làm báo cần có đạo đức nghề nghiệp, có bản lĩnh, tính trung thực, khách quan; có kiến thức về luật pháp nói chung và Luật Di sản văn hóa nói riêng; bám sát thực tiễn, phân tích khách quan, nhận thức đúng di sản văn hóa. Các nhà báo cũng nên học thêm các lớp bồi dưỡng hoặc đăng ký học một bằng chính quy về lĩnh vực di sản văn hóa.

Bên cạnh đó là nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, các cơ quan cần xác định rõ truyền thông cho di sản văn hóa là truyền thông đối ngoại, phục vụ phát triển du lịch. Đây là nhiệm vụ trọng tâm then chốt, do đó cần xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể quảng bá di sản. Ngoài ra cần tăng thời lượng phát sóng, đa dạng các hình thức thể hiện; có chính sách chế độ nhằm thu hút, động viên, khen thưởng kịp thời cộng tác viên tích cực... Tích cực sử dụng truyền thông xã hội để nâng cao nhận thức và trách nhiệm, quyền lợi của công chúng về vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.

Chia sẻ cảm xúc tại lớp học, ông Inpone Nakhonsy cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao khóa bồi dưỡng. Đây là lần đầu chúng tôi được học về kĩ năng viết tin bài về di sản, giúp những nhà báo Lào hiểu được tầm quan trọng của báo chí trong truyền thông về di sản. Những phân tích của giảng viên giúp chúng tôi hiểu rõ hơn vai trò của báo chí khi truyền thông về văn hóa, di sản, khi bao gồm những lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và quảng bá du lịch."

Phỏng vấn nhanh ông Inpone Nakhonsy.

Trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng, từ ngày 19-25/12, các nhà báo Lào sẽ được thực tế tại các tỉnh Quảng Bình, Huế và TP Hồ Chí Minh.

Đức Đặng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/boi-duong-nghiep-vu-bao-chi-viet-ve-di-san-cho-cac-nha-bao-lao-n11760.html