Bồi hồi với hơn 300 hình ảnh, hiện vật tại trưng bày 'Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình'

Ngày 27/12, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức trưng bày chuyên đề 'Hà Nội 1972- Khát vọng hòa bình' tại Bảo tàng Hà Nội, nhằm kỷ niệm 50 năm chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' (18/12/1972 - 18/12/2022).

Trưng bày chuyên đề “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật của Bảo tàng Hà Nội, các cơ quan lưu trữ và các nhân chứng về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân Thủ đô Hà Nội cách đây 50 năm với 3 chủ đề.

Chủ đề 1 “Khoảng lặng” giới thiệu các tài liệu ảnh về sự chuẩn bị của nhân dân như: Sơ tán, đào hầm hào, xây dựng các trận địa pháo, nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày.

Chủ đề 2 “Đối mặt” tái hiện lại cuộc chiến ác liệt giữa quân và dân Thủ đô với không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội từ ngày 18/12/1972 đến 29/12/1972 và chiến thắng của quân và dân Thủ đô.

Chủ đề 3 “Hòa bình” trưng bày những hình ảnh Thủ đô Hà Nội vực dậy sau chiến tranh, khôi phục sản xuất, xây dựng lại các công trình, cuộc sống ngày nay của người dân bằng các ảnh tư liệu, clip phỏng vấn.

Đại biểu tham quan trưng bày.

Đã 50 năm trôi qua, kể từ khi Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác phải hứng chịu bom đạn chiến tranh, chìm trong “đất rung, ngói tan, gạch nát” là những cuộc chia ly, mất mát. Vươn lên trong khói bom, bằng tình yêu và niềm tin tất thắng, quân và dân Hà Nội, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ để lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.

Trưng bày “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” là dịp để người dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến, sự quả cảm của quân, dân Hà Nội trong chiến đấu đặc biệt là 12 ngày đêm chiến đấu chống lại B-52 bảo vệ Thủ đô, bảo vệ đất nước.

Hiện vật của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt. Chị cùng 2 con gái 2 tuổi và 19 ngày tuổi bị bom Mỹ giết hại tại nhà số 3 Khâm Thiên đêm 26/12/1972, chỉ còn chồng sống sót.

Chúng ta có quyền tự hào khi đã lập nên một kỳ tích có một không hai, mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ 20, bản hùng ca chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Đó là chiến thắng của chính nghĩa, kết tinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là đỉnh cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta; cổ vũ, động viên, thắp sáng niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Hà Nội được bạn bè quốc tế ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, Hà Nội đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc. Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất ở châu Á được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bạn bè quốc tế vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Năm 2000, Hà Nội được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng”.

Năm 2019, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo” của UNESCO, khẳng định vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trái tim của cả nước.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/boi-hoi-voi-hon-300-hinh-anh-hien-vat-tai-trung-bay-ha-noi-1972-khat-vong-hoa-binh-150689.html