Bôi nhọ đám cưới - thú vui của kẻ ghét nhìn người khác hạnh phúc

'Cái váy cưới đó xấu tệ', 'Đám cưới đó trang trí thật kinh hoàng', 'Cô dâu xứng lấy người tốt hơn' là những lời bình luận phổ biến của những kẻ thích 'ném đá' các cô dâu chú rể.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên BBC, phản ánh câu chuyện ngày trọng đại của nhiều đôi uyên ương trở thành trò cười để bất cứ ai cũng có thể chê bai, "bới lông tìm vết", khi những vị khách tự tiện đăng tải ảnh cưới của chủ nhân lên các nhóm kín trên mạng xã hội.

Đám cưới luôn là ngày trọng đại của cô dâu chú rể khi cả hai đều cất công lên kế hoạch và dành hàng tháng trời để lên địa điểm, chọn phong cách trang trí, lựa chọn menu của tiệc cưới.

Tuy nhiên, không phải người đến tham dự nào cũng hiểu điều đó và hài lòng với sở thích của hai nhân vật chính.

Thậm chí, nhiều vị khách không ngần ngại chụp ảnh lại váy cưới cô dâu hay menu bữa ăn để chia sẻ lên các nhóm trên mạng xã hội, biến đám cưới của bạn bè mình trở thành chủ đề cho bất kỳ ai cũng có thể vào bình luận.

“Tôi phát ớn khi nhìn cô bạn của mình đăng tải mọi thứ về ngày lên xe hoa lên trên mạng. Cô ta làm như thể một mình mình kết hôn vậy”, Hannah (32 tuổi), bày tỏ sự bực bội khi “bội thực” các hình ảnh về đám cưới của một người bạn.

Hannah gõ cụm từ “cô dâu khủng khiếp" lên thanh công cụ Google, nơi dẫn cô đến một nhóm chuyên bàn tán, thảo luận về các trải nghiệm đi ăn cưới tồi tệ.

“Nhìn thấy những người khác chia sẻ các ý kiên thô lỗ làm tôi cảm thấy tốt hơn và việc bình luận cùng cũng thích thú chẳng kém. Tôi không quan tâm đến việc xúc phạm bạn mình vì cô ấy sẽ không bao giờ phát hiện ra”, Hannah cho hay.

"Ném đá" cô dâu chú rể

“Bộ vest đó trông thật rẻ tiền, cô gái xứng đáng một tấm chồng tốt hơn”, “Những món đồ trang trí này lấy từ phim kinh dị ra à”, “Những tấm rèm như lấy từ thời bà nội của tôi vậy” là các ý kiến có thể đọc được bất cứ đâu trong các nhóm wedding shaming (tạm dịch: bôi nhọ đám cưới).

Các nhóm như vậy xuất hiện ngày một nhiều trên các trang mạng xã hội. Nhóm phổ biến nhất về chủ đề này trên Facebook thu hút đến hơn 120.000 thành viên.

Ngoài ra, có khoảng 20 nhóm tương tự cũng hoạt động sôi nổi trên nền tảng này, với số người tham gia trung bình khoảng 62.000 người. Trên Reddit, chủ đề “bôi nhọn đám cưới” cũng thu hút đến 28.000 thành viên tham dự.

Không vừa mắt với bất kỳ điều gì ở đám cưới, các vị khách thường đem vào những hội kín chứa hàng chục nghìn thành viên trên Facebook để than phiền. Ảnh: Medium.

Không vừa mắt với bất kỳ điều gì ở đám cưới, các vị khách thường đem vào những hội kín chứa hàng chục nghìn thành viên trên Facebook để than phiền. Ảnh: Medium.

Hầu hết nhóm đều ở chế độ riêng tư, nhưng mọi người đều có thể tham gia nếu muốn. “Thủ tục” đơn giản ở mức trả lời vài câu hỏi, bao gồm miêu tả trải nghiệm tồi tệ ở đám cưới bạn từng dự.

Mặc dù mỗi nhóm đều có quy tắc nghiêm ngặt, như không bình luận xúc phạm về chủng tộc, tôn giáo hay giới tính, song những diễn đàn này thường ngập tràn những lời chê bai tới tấp về những thứ không “vừa mắt” tại đám cưới.

“Chúng tôi không nghĩ đây là hành vi bôi nhọ hay không tôn trọng người khác. Đó là một môi trường tương tự những gì bạn sẽ thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Internet, khi các quan điểm trái chiều luôn xuất hiện”, Anton (22 tuổi), người điều hành một nhóm “thảo luận” về chuyện đám cưới thu hút đến hơn 2 triệu tương tác mỗi tháng, cho biết.

“Thuật ngữ ‘wedding shaming’ thường bị hiểu lầm. Rất nhiều người đến với nhóm để hỏi xin ý kiến trung thực”, anh nói thêm.

Xu hướng “ném đá” các cặp uyên ương mới cưới trên mạng dần nở rộ vào năm 2018, khi một vị khách “bóc phốt” chuyện mình bị cô dâu yêu cầu trả 1.500 USD nếu đến dự đám cưới.

“Tôi không quan tâm đến những người khác nghĩ gì về nhóm chúng tôi. Đơn giản chỉ là tôi tạo ra một nơi có thể bày tỏ sự thất vọng lẫn tức giận của những vị khách tham dự đám cưới”, một quản trị viên tên Wiredthey, cho hay.

Kể từ đó, các nhóm có nội dung tương tự tăng trưởng theo cấp số nhân trên mạng.

“Các bài đăng có tính giải trí rất cao, khi ai nấy đều cố gắng thể hiện sự châm biếm. Tôi thích xem tất cả những ý tưởng đám cưới điên rồ và tự hỏi sao người ta lại có thể nghĩ ra được những thứ như vậy”, Orla (25 tuổi), “độc giả” trung thành của những nhóm “bôi nhọ đám cưới”, chia sẻ.

Ảo tưởng về đám cưới hoàn hảo

Bất kể động cơ cá nhân của mỗi người là gì, song không thể phủ nhận hiện tại, có một góc trên Internet, nơi người dùng háo hức chờ đợi, “nhâm nhi trà” để cùng nói xấu về ngày trọng đại của người khác.

Tuy là nhóm kín, những bài viết có nội dung kỳ lạ hay chứa nhiều chi tiết nhạy cảm vẫn thường xuyên được đăng lên trang tin lá cải.

Các thành viên của hội "bôi nhọ đám cưới" không cảm thấy mình sai hay xấu tính khi bày tỏ ý kiến, câu chuyện của mình. Ảnh: Blaine Siesser.

Kat Williams, người sáng lập Rock n Roll Bride, một tạp chí cưới online, phát hiện ra làn sóng này 6 tháng trước. Nhiều thành viên trong nhóm của cô thường xuyên chụp màn hình lại hình đám cưới của người khác và “phát tán” trong các hội kín chuyên nói xấu.

“Nạn nhân gần nhất là một cặp chụp ảnh cưới trên thuyền, với cô dâu mặc áo khoác lông, còn chú rể khoác áo choàng. Tôi nghĩ điều ấy không có gì đáng xấu hổ song số đông thường nhanh chóng phán xét nếu thấy điều gì đó khác biệt với họ. Nhưng họ sẽ không bao giờ hạnh phúc hơn bằng cách kéo người khác xuống”, Kat cho hay.

Kate Beavis, blogger đám cưới, nghĩ rằng các nền tảng truyền thông xã hội khác cũng vô tình thúc đẩy thói quen này.

“Instagram và Pinterest cho chúng ta một cái nhìn về một đám cưới hoàn hảo như thế nào. Nhưng những hình ảnh này đã được chỉnh sửa kỹ càng hoặc được tạo hình bởi các chuyên gia. Vì vậy, trong khi bức hình chỉ dừng ở mức truyền cảm hứng, thì với nhiều người, nó trở thành tiêu chuẩn về một đám cưới phải diễn ra như thế nào”, cô nói.

Với các thành viên gia nhập nhóm, không ít người cho rằng đây là cách hiệu quả để họ có thể tổ chức đám cưới của mình theo cách hoàn hảo nhất, tránh các sai sót không đáng có.

Không thể mừng cho người khác

“Theo đuôi” người khác trên mạng xã hội, lấy vẻ ngoài, cách mọi người tiêu tiền hay những điều xảy ra trong cuộc sống của họ làm chủ đề bàn tán, nói xấu không còn là câu chuyện mới mẻ.

Tuy nhiên, sự gia tăng của các nhóm được thiết kế với mục đích duy nhất là chỉ trích cô dâu chú rể vào ngày đặc biệt khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi: Tại sao một số người không thể cảm thấy vui mừng trước hạnh phúc của người khác?

Nhà tâm lý học Emma Kenny, người dành nhiều thời gian để nghiên cứu chuyện nói xấu trên mạng, phân tích: Tính cách nhóm người này thường có ba đặc điểm cơ bản như mức độ tự ái cao, tập trung hoàn toàn vào lợi ích cá nhân và rối loạn nhân cách.

"Những người lấy ngày trọng đại của các cặp vợ chồng ra làm chủ đề để cười cợt khó cảm thấy vui mừng khi chứng kiến hạnh phúc của người khác". Ảnh: Slate.

“Thông thường, nếu chúng ta làm điều gì đó xấu xa, chính bản thân sẽ cảm thấy lo lắng hay tức giận với chính mình. Nhưng những người có nét tính cách như trên không cảm thấy vậy, ngược lại, họ càng trở nên thích thú và tìm cách làm những điều kinh khủng hơn với người họ không thích”, cô nói thêm.

Theo Emma, những người như vậy thường cảm thấy “nếu bất cứ ai làm tốt hơn họ, người đó hoàn toàn không có quyền được thế” và có xu hướng tập hợp lại cùng trút giận để cảm thấy bớt cô đơn hay bớt thất vọng về cuộc sống của chính mình.

Trên thực tế, mọi người luôn có ý kiến riêng về đám cưới của người khác dù ở ngoài đời thực hay trên mạng. Nhưng chuyện góp ý riêng khác xa với việc đem hình ảnh đám cưới lên mạng và để hàng nghìn người xa lạ cùng “chĩa mũi dùi” vào bình luận tiêu cực.

Tuy nhiên, các nhóm “bôi nhọ đám cưới” vẫn chưa hề có dấu hiệu chậm lại. Hàng chục bài đăng vẫn được phê duyệt và đăng trực tuyến mỗi giờ.

Về phía biên tập viên Kat, cô cho hay bất chấp những lời chê bai, cô vẫn đăng tải những hình ảnh các cặp vợ chồng với những phong cách đám cưới độc lạ.

“Một đám cưới ở Las Vegas gần đây với chú rể là một thợ cắt tóc, mặc chiếc váy tương tự với cô dâu, nhận được nhiều sự phản hồi tích cực. Tôi hy vọng rằng điều đó sẽ loại bỏ những kẻ xấu tính chỉ thích dèm pha”, cô nói.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/boi-nho-dam-cuoi-thu-vui-cua-ke-ghet-nhin-nguoi-khac-hanh-phuc-post979272.html