Bối rối với câu hỏi 'sao con chào ông, mà ông không chào con?'

Nhiều phụ huynh khổ sở khi rời trường thì con hào hứng chào cô giáo, chào bạn nhưng về đến nhà thì lại không chào ông bà. Cũng có khi phụ huynh lại bối rối với câu hỏi của trẻ: 'Sao con chào ông, mà ông không chào con?'.

Đòi hỏi một chiều

Chị Đỗ Phương Anh (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), có con gái gần 3 tuổi tỏ ra rất phiền lòng khi chia sẻ: Khi tôi đón con ở trường, con hào hứng chào cô, chào các bạn. Nhưng khi về đến nhà, nhìn thấy bà nội thì con lờ đi như thể không thấy bà, dù mẹ nhắc thế nào con cũng nhất định không chào bà.

Mỗi lần như thế không khí rất căng thẳng vì bà nội từ chỗ hỏi nhẹ nhàng: “Con đi học về rồi à, con chào bà chưa?”, sẽ chuyển sang bực tức mắng cháu: “Con này càng ngày càng lì lợm, vừa hư vừa bướng…”. Thậm chí không ít lần bà còn nói “Mày học ai cái tính đấy không biết?” khiến chị Phương Anh rất phiền lòng vì sau một ngày làm việc mệt mỏi, về đến nhà lại phải nghe những câu hỏi không thiện chí như vậy.

Người lớn có thể chủ động chào trẻ trước, làm gương cho trẻ, để trẻ quan sát và học hỏi - Ảnh minh họa

Đây không phải sự phiền muộn của riêng chị Phương Anh, mà rất nhiều phụ huynh khác cũng trải qua. ThS giáo dục Ngô Thanh Giang, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục BEEs’ Education chia sẻ: Phụ huynh Việt Nam thường hay đòi hỏi một chiều, buộc con phải làm theo ý mình. Trong khi có thể việc trẻ không chào người lớn trong nhà là do bắt chước chính từ bố mẹ. Có thể bố mẹ dẫn trẻ về mà không chào ông bà nên con đã… học theo.

“Bố mẹ nên dạy con thói quen lịch sự, cách cư xử - những điều này lớn hơn cả lời chào. Có thể con sẽ cười tươi khi về đến nhà, vui vẻ nói với ông bà, người lớn tuổi là con đã về”. Đây cũng là một cách chào hỏi khiến trẻ hào hứng, thay cho lời chào máy móc, đôi khi con trẻ sẽ không thích- ThS Thanh Giang nêu quan điểm.

ThS Giáo dục Ngô Thanh Giang (trái) và MC Minh Trang trong một buổi trò chuyện "gỡ rối" cho không ít phụ huynh

MC Minh Trang (sáng lập Mầm nhỏ) thì đặt ngược vấn đề: “Tại sao người lớn không chào trẻ con trước, mà lại cứ bắt trẻ con phải chào mình? Quan niệm này có vẻ cũ khi cho rằng thấy người lớn mà không chào là không đúng lễ giáo. Nhưng với đứa trẻ gần 3 tuổi thì người lớn cần làm gương cho trẻ, để trẻ quan sát và học hỏi”.

Chưa kể, những đứa trẻ vốn rất nhạy cảm, chúng sẽ biết ai yêu quý mình vì thế rất có bà nội khiến cho cháu không có hứng thú chào. “Biết con sẽ không chào bà, người mẹ nên mau mồm mau miệng chào thay con hoặc cũng thay lời bà nhẹ nhàng nói “Bà chào con!”. Cách này sẽ giúp phá đi khoảng cách căng thẳng của hai bên.

“Sao con chào ông, mà ông không chào con?”

Không ít mẹ rơi vào tình trạng vò đầu bứt tai khi thường dạy con thấy người lớn trong khu mình sống con phải chào hỏi, nhưng khi con chào người lớn tuổi mà họ không buồn đáp lại, cũng không tỏ thái độ thân thiện với con. Khi con hỏi: “Sao con chào ông, mà ông không chào con?”, các mẹ đã vô cùng bối rối, không biết sẽ phải giải thích với con thế nào…

Hãy phân tích để trẻ hiểu văn hóa của gia đình là chào hỏi lịch sự với tất cả mọi người, dù người đó có đáp lại hay không - Ảnh minh họa

ThS Giáo dục Ngô Thanh Giang “gỡ rối” cho các mẹ bằng cách phân tích cho con hiểu: Thói quen giao tiếp ở Việt Nam là người lớn không phải chào trẻ con. Những người chào lại khi con chào là người lịch sự. Tiếp đó hãy hỏi con: “Nếu con là người lớn, con sẽ chọn cách nào?” để trẻ tự mình đưa ra lựa chọn.

Bên cạnh đó, để trẻ hiểu mỗi gia đình có một nếp văn hóa khác nhau và ở gia đình mình, ai cũng sẽ chào hỏi lịch sự với tất cả mọi người. “Mẹ sẽ vô cùng tự hào, nếu con cũng thực hiện được điều đó!”. Khi đó, dù lời chào trao đi mà không được đáp lại, trẻ vẫn cảm thấy hoàn toàn thoải mái và không ẫm ức như trước…

Bảo Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/boi-roi-voi-cau-hoi-sao-con-chao-ong-ma-ong-khong-chao-con-post50253.html