'Bội thực' bảo tàng!

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã và đang được củng cố, nâng cấp và phát triển với tổng số 149 bảo tàng (gồm 124 bảo tàng công lập và 25 bảo tàng ngoài công lập).

Bảo tàng 2.300 tỉ đồng tại Hà Nội thường xuyên vắng khách

Việc TP Hồ Chí Minh muốn xây Bảo tàng Thành phố rộng 8 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (quận 9) đã và đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều từ các chuyên gia và dư luận.

Lý do được Sở Văn hóa - Thể thao đưa ra là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh mang tính chất tổng hợp về văn hóa – lịch sử; gắn liền với sự tồn tại và phát triển của khu vực Nam Bộ và lịch sử đất nước, con người Việt Nam.

Do đó, việc đầu tư xây dựng bảo tàng này tại khu công viên Lịch sử – văn hóa dân tộc là phù hợp nhằm tạo sự kết nối để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa với các công trình khác như: khu tưởng niệm các vua Hùng, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ… Những đặc trưng văn hóa của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam được quy tụ tại một quần thể.

Có thể, dự án nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chung đã được xây dựng từ trước đó của thành phố nhằm tạo những điểm nhấn thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đều phải đặt trong bối cảnh phát triển chung của thành phố.

TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về trật tự xã hội, giao thông hạ tầng, với tình trạng ngập úng... thì nên xem xét lại thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu cấp bách trước. Những vấn đề bức thiết như vậy, gắn liền với tính ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân chưa được quan tâm hết hoặc quan tâm chưa tới mà lại chỉ chăm chăm quan tâm tới xây bảo tàng với nhà hát thì dễ dẫn tới những bức xúc, phản ứng của người dân và xã hội.

TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết nhanh chóng như tình trạng kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục... Những vấn đề này đang kìm hãm sự phát triển của Thành phố. Do vậy, những gì chưa phải là cấp thiết thì chưa vội làm, chúng ta có thể sử dụng số vốn đó cho những mục đích khác, thiết thực hơn, có ích cho sự phát triển chung của Thành phố”.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Trường - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng: “Thành phố muốn hướng tới mục tiêu xây dựng những công trình văn hóa tiêu biểu, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế là rất tốt. Nhưng khi những vấn đề bức thiết còn chưa được giải quyết thì có dựng lên một hay cả chục những công trình tiêu biểu cũng khó gây được thiện cảm với du khách. Nhất là tình trạng ngập úng, ùn tắc, ô nhiễm... vẫn cứ luôn hiện hữu, thì không những khó tạo thiện cảm mà thậm chí còn gây phản cảm với du khách”.

Có thể nói, xã hội càng văn minh thì thư viện và bảo tàng càng ý nghĩa. Và trong xã hội văn minh, những giá trị vô hình luôn được đề cao và coi trọng hơn những giá trị vật chất hữu hình. Đó cũng là lý do vì sao ở nhiều nước, các tỉ phú thường chọn cách hiến tặng cho xã hội bằng việc xây dựng thư viện, bảo tàng hoặc trường học.

Nhưng ở Việt Nam, thì việc bảo tàng ra đời dư luận vẫn cần câu trả lời cho câu hỏi: Xây bảo tàng để làm gì? Bởi thực tế cho thấy nhiều bảo tàng ở Hà Nội hoặc các bảo tàng ở các địa phương khác hoạt động không hiệu quả.

Hiện tại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hàng loạt các bảo tàng lớn nhỏ, ví dụ: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảo tàng Thành phố trên đường Lý Tự Trọng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần, Bảo tàng Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Tôn Đức Thắng trên đường Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trên đường Võ Thị Sáu, Bảo tàng Y học cổ truyền trên đường Hoàng Dư Khương...

Rộng hơn, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã và đang được củng cố, nâng cấp và phát triển với tổng số 149 bảo tàng (gồm 124 bảo tàng công lập và 25 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật (trong đó có nhiều bảo vật quốc gia và sưu tập hiện vật quý hiếm).

Thế nhưng, có quá nhiều bảo tàng hoành tráng nhưng vắng khách bởi thiếu đi cái hồn cốt thật sự của bảo tàng. Tức là các hiện vật đó phải “biết nói”, kể được những câu chuyện thật sự, chuyển tải được những thông điệp cho khách xem và sâu xa hơn là con người đời sau. Tiếc rằng, các bảo tàng đã không làm được điều đó, dẫn đến tình trạng vắng khách kéo dài.

Như nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Bỉnh Quân: “Các bảo tàng ở Việt Nam quá thấp về đẳng cấp, tiêu điều về nghiên cứu giáo dục và uể oải về hoạt động. Lẽ ra phải là các lâu đài văn hóa ở trung tâm thì bảo tàng ở Việt Nam còn là một thứ xa xỉ – xập xệ nằm ngoài rìa đời sống xã hội”.

Đó là chưa nói đến chuyện tính khoa học và nguyên bản độc đáo của việc sưu tầm hiện vật là xương sống của bảo tàng. Nhưng ở đó, các bảo tàng của chúng ta đều vắng bóng nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh… họ không làm việc ở đây.

Chừng đó dữ liệu, ý kiến cũng đủ để một lần nữa xin hỏi lại: TP Hồ Chí Minh xây bảo tàng để làm gì?

Xin đừng để tồn tại trong tư tưởng của người dân suy nghĩ ‘bảo tàng của chúng ta mọc lên không phải nhu cầu của người dân mà là ý tưởng của các nhà quản lý và song hành với nó là lợi ích của một bộ phận không nhỏ của tầng lớp trung gian’.

Hải Đăng

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/boi-thuc-bao-tang-158562.html