Bolero 'sống lại' nhờ đâu?

Không chỉ ngập tràn trên sóng truyền hình, hàng loạt liveshow bolero lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước với lượng khán giả đông đảo, đặc biệt là tại Hà Nội.

Đàm Vĩnh Hưng trong liveshow “Sài Gòn, Bolero & Hưng”

Liveshow bolero đầu tư khủng

Những tranh cãi về sự phát triển của bolero suốt mấy ngày qua một lần nữa khiến nhiều người chợt nhận ra, bolero dường như đang trở lại thời kỳ hoàng kim. Từ truyền hình tới các sân khấu ca nhạc, phòng trà đều ngập tràn nhạc bolero. Các liveshow bolero được đầu tư với kinh phí khủng và được thực hiện ở những sân khấu hoành tráng cũng liên tiếp ra lò. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tại Hà Nội, đã có 3 liveshow bolero được đầu tư hoành tráng với sự tham gia của những ca sĩ nổi tiếng trong nước và hải ngoại.

Lệ Quyên mở màn tháng 8 với liveshow Mùa thu vàng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, quy tụ dàn ngôi sao đình đám như: Quang Lê, Thái Châu, Quang Dũng. Ngay sau đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng chịu chơi khi chi hẳn 9,2 tỷ đồng thực hiện liveshow Sài Gòn, Bolero & Hưng, với nhiều khách mời như: Lệ Quyên, Quang Lê, Hoài Lâm… Nhà hát Tuổi trẻ cũng “góp vui” với đêm nhạc Lam Phương - Cho em quên tuổi ngọc, mở màn chuỗi chương trình 100 năm âm nhạc Việt Nam. Đại diện đơn vị sản xuất cho biết, nhiệm vụ của họ là kéo khán giả đến rạp nên quyết định chọn đêm nhạc Lam Phương để mở màn cho chuỗi chương trình.

Và trong tháng 9 tới đây, đêm nhạc Lam Phương tuyệt phẩm - Thành phố buồn với sự tham gia của loạt giọng ca nổi tiếng như: Giao Linh, Bảo Yến, Nguyễn Hưng, Ngọc Sơn… cũng sẽ diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.

Danh ca Phương Dung đánh giá, khán giả miền Bắc rất thích và trân trọng âm nhạc trước năm 1975, trong đó gồm cả bolero, boston, rumba... Sự hâm mộ của khán giả dành cho các thể loại này lớn hơn nhiều so với khán giả miền Nam. Đối tượng khán giả không chỉ gói gọn ở những người trung niên mà cả lớp trẻ cũng nhiều người yêu thích. Nữ danh ca cũng giải thích thêm, nhạc bolero xuất phát từ miền Nam nên người dân ở đây đã nghe quá nhiều, trong thời gian quá lâu, nên nhạc này mang tính đại trà. Còn khán giả miền Bắc ít được thưởng thức hơn vì còn bị hạn chế. Sau này, khi được nghe nhiều bài hơn, người ta mới nhận ra nhạc bolero có ca từ nhiều ý nghĩa, lắng đọng nên ngày càng thích hơn. Do đó, các liveshow bolero diễn ra nhiều cũng là điều dễ hiểu.

“Tôi đi hát ngoài Bắc, khán giả vẫn đưa những cái băng từ những năm 60, nhờ tôi ký tên để lưu niệm. Khi chúng tôi đi diễn, nhiều lúc chỉ hát 1 câu là khán giả ở dưới đã vỗ tay cổ vũ. Thế mới thấy tình cảm họ dành cho bolero lớn tới mức nào”, danh ca Phương Dung chia sẻ.

Chỉ chiều theo thị hiếu

Bà Nguyễn Thị Hoài Oanh, Giám đốc Công ty Đông Đô Show nhìn nhận, trên sóng truyền hình, các chương trình nhạc nhẹ đã quá nhiều với những gương mặt ca sĩ lặp đi, lặp lại. Bởi thế, khi đến nhà hát thưởng thức âm nhạc, khán giả muốn “đổi món” mới lạ và hấp dẫn hơn. Bolero là sự lựa chọn đó nhưng cũng sẽ theo quy luật tự nhiên, rộ lên rồi sẽ có lúc đi xuống. Theo bà Oanh, mỗi dòng nhạc có một lượng khán giả riêng. Những liveshow nhạc bolero đều nhắm tới đối tượng khán giả lớn tuổi. Họ là những người có xu hướng hoài niệm, lại là đối tượng có tiền và sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé nên các nhà sản xuất muốn nhắm tới đối tượng này hơn. Giá vé bán ra cũng cao hơn. “Đây là chiều theo thị hiếu chứ không phải định hướng khán giả về mặt nghệ thuật”, bà Oanh khẳng định.

Đồng quan điểm với bà Oanh, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, các nhà sản xuất hiện nay thường chạy theo thị hiếu của khán giả bởi phải tính tới lợi nhuận, kinh doanh. Đó cũng chính là lý do để các chương trình bolero kinh doanh có thu bùng nổ thời gian vừa qua tại Hà Nội. Còn sứ mệnh định hướng hay những gì lớn lao hơn là việc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có thẩm quyền.

“Chất lượng hay tiêu chí luôn được đề cao, nhưng ở đây là đề cao việc phục vụ khán giả, nó giống như nằm trong mối tương quan của nhu cầu bán - mua. Nhà sản xuất nào có tâm làm những chương trình mang tính nghệ thuật, còn không thì chỉ làm thương mại theo kiểu có vài ngôi sao, ca sĩ hải ngoại được yêu thích và hát những bài phục vụ sở thích của khán giả. Mọi người không nên kỳ vọng quá nhiều về sự sáng tạo nghệ thuật ở những show diễn như vậy”, ông Long nhận định.

Trong khi đó, danh ca Phương Dung nhận xét, hiện tại, liveshow nhạc bolero khá nhiều nhưng để giữ được sự phát triển này thì tùy thuộc vào các nghệ sĩ và nhà sản xuất. Họ phải biết giữ gìn, bảo tồn, không được làm nhạc theo cách đại trà và làm những chương trình không đúng nghệ thuật. Nhất là trong tình hình hiện nay, để tìm một ca sĩ trẻ có giọng hát có thể hát được bolero vô cùng khó.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bolero-song-lai-nho-dau-d222722.html