Bolero trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Theo thông tin từ TTXVN, ngày 5 tháng 12 năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận nghệ thuật bolero là Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể của Nhân Loại, theo đề xuất từ Cuba và Mexico.

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, quyết định này được UNESCO đưa ra trong kỳ họp thứ 18 của Ủy Ban Liên Chính Phủ về Bảo Vệ Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể, tổ chức tại thành phố Kasane, phía bắc Botswana.

Đại sứ Cuba tại UNESCO, Yahima Esquivel, nhấn mạnh rằng bolero không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là sự kết hợp giữa các văn hóa và ngôn ngữ, gắn kết văn hóa Châu Âu, nhịp điệu Châu Phi và bản sắc Mỹ Latin. Bolero là biểu tượng của âm nhạc tình yêu Latin có tầm ảnh hưởng vượt quốc gia.

Bolero là gì

Bolero là một thể loại âm nhạc, kèm theo nhạc cụ và khiêu vũ, bắt nguồn từ thành phố Santiago de Cuba từ cuối thế kỷ 19 và lan rộng khắp Cuba thông qua các nhóm nghệ sĩ lưu diễn. Một trong những người tiên phong, định hình phong cách đặc trưng cho bolero là nghệ sĩ Pepe Sánchez (1856-1918), người sáng tác bản bolero đầu tiên "Tristezas" “(tạm dịch: Những niềm đau”) vào khoảng năm 1883.

Với giai điệu sang trọng, tinh tế, những bài bolero nảy sinh từ Cuba nhanh chóng vượt biển đến Mexico. Sức hấp dẫn của âm nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn giúp bolero nhanh chóng lan truyền và đặt chân rễ sang các quốc đảo ở vùng Caribe, xuống các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia... và cả Tây Ban Nha.

Thời kỳ hoàng kim của bolero ở các quốc gia Mỹ Latin bắt đầu từ những năm 1930 và kéo dài liên tục trong suốt ba thập kỷ, với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)... Thời kỳ này, bolero cũng ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được biểu diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như: Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.

Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là "Bésame Mucho" (tạm dịch: Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác khi cô mới 15 tuổi. Bài hát tình cảm mà những đôi tình nhân dành cho nhau lại là lời thú nhận của một cô gái chưa bao giờ được hôn, đang mơ về một mối tình lãng mạn. Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ Latin, bài hát này đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, "Bésame Mucho" đã xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 "The Beatles Live at Star Club in Hamburg" của The Beatles.

Một đặc điểm của bolero là âm nhạc luôn đi kèm với lời ca tình cảm, mượt mà, thể hiện tình cảm, quan niệm và tiêu chuẩn về cuộc sống nói chung và tình yêu nói riêng. Không thể nói đến bolero mà không nhắc đến nội dung lời ca, với những cung bậc tình cảm được thể hiện qua ngôn ngữ mộc mạc, chân thành kết hợp với âm nhạc chậm buồn và lãng mạn.Năm 2018, bolero đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Mexico, trong khi Cuba thì đưa nghệ thuật này vào danh sách quốc gia năm 2021. Nhạc bolero ở Cuba thường mang nhịp 2/4, với tốc độ khoảng 96-104 nhịp/phút (beats per minute).

Bolero ở Việt Nam

Tại Việt Nam, Bolero du nhập vào khoảng đầu thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng giai điệu phương Tây thay cho giai điệu truyền thống. Một số bài hát sử dụng điệu Bolero đầu tiên là “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn, “Trăng phương Nam” của Anh Hoa, “Chiều trong rừng thẳm” của Anh Việt sáng tác trước 1954. Bolero được sử dụng phổ biến nhất trong các bài nhạc vàng tại miền Nam Việt Nam, và trở thành một phần quan trọng của văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam.

Bolero Việt Nam có nhiều đặc điểm riêng biệt, phản ánh tâm hồn và cuộc sống của người Việt. Bolero Việt Nam mang đậm chất dân ca Nam Bộ, rất ít ca khúc thính phòng hoặc nhạc nhẹ không có chất dân gian. Giai điệu cấu trúc đơn giản, tiết tấu đều đều, chậm, thường là nhịp 4/4, ít biến đổi nhịp, ít quãng cao, dễ hát, khi hát thường luyến láy, cho mềm mại và mùi mẫn. Lời ca bình dân, có nhiều vần và dễ thuộc, dễ nhớ. Các đặc điểm khác như tính quần chúng, tính khái quát, tính tự sự, tính buồn cũng thường thấy, nhưng không phải đặc trưng.

Bolero Việt Nam không chỉ có trong nhạc vàng, mà cũng xuất hiện ở các thể loại khác. Vài sáng tác của một số nhạc sĩ nhạc đỏ như Thế Hiển, Trần Hoàn, Thuận Yến, Vũ Hoàng ... là theo điệu Bolero, ví dụ Miền “Trung nhớ Bác” của Thuận Yến. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, nhạc nhẹ bị cấm đến 1979 mới được chính quyền cho sáng tác trở lại, lúc đó gọi là "Ca khúc chính trị". Một số nhạc sĩ chế độ cũ lại sáng tác Bolero theo phong cách mới, như Trần Thiện Thanh với “Chiếc áo bà ba”, Tô Thanh Tùng với “Tình cây và đất”, Trúc Phương với Chín dòng sông hò hẹn ... Các sáng tác này đậm chất dân ca Nam Bộ. Vài năm gần đây, xuất hiện các sáng tác theo điệu Bolero dựa trên nền ví giặm Nghệ Tĩnh. Một số bài Bolero về sau thậm chí có thể hát theo lối Bel Canto. Ở hải ngoại, nhạc sĩ Đức Huy có một số bài Bolero chất Tây phương nhẹ nhàng, trẻ trung.

Bolero Việt Nam là một dòng nhạc đa dạng, phong phú, giàu sắc thái, thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc của con người. Bolero Việt Nam là một minh chứng cho sự sáng tạo và hòa nhập của nền âm nhạc Việt Nam với âm nhạc thế giới, và là một di sản văn hóa đáng tự hào của dân tộc.

Phạm Thùy Linh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bolero-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cua-nhan-loai-a22169.html