Bolivia mong chờ chính phủ mới thoát khỏi khủng hoảng

Kể từ cuộc đảo chính dẫn đến việc Tổng thống Evo Morales phải từ chức vào cuối năm 2019, các phần từ phát-xít đã có cơ hội hoành hành trên khắp đất nước Bolivia. Những nhóm phát-xít như Falange Socialista Boliviana (FSB) và Uníon Juvenil Cruceista (UJC) sau một thời gian dài hoạt động trong bóng tối đã 'ngóc đầu' lên thực hiện một loạt các hành vi tội phạm như: nhục mạ, hành hung, cướp bóc, và giết người. Trong khi đó chính quyền lâm thời và quân đội Bolivia không có động thái bảo vệ người dân.

Chính quyền "đi đêm" với các phần tử cực đoan

Ngày 13-11-2019, đại diện của các cộng đồng dân tộc thiểu số Bolivia tổ chức biểu tình tại thành phố La Paz. Họ phản đối việc bà Jeanine Aéz, khi đó là Phó chủ tịch Hạ viện, trở thành Tổng thống lâm thời mà không qua bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào ở Quốc hội. Những nhóm phát-xít đã huy động lực lượng hành hung người biểu tình và cướp đốt cờ, băng rôn, biểu ngữ của họ. Tiếp theo đó, những sự việc tương tự cũng đã từng xảy ra tại La Paz, Cochabamba và các thành phố lớn khác ở Bolvia. Trong trường hợp nào, người dân tộc thiểu số cũng là nạn nhân, vậy nhưng không cơ quan công quyền nào đứng ra bảo vệ họ.

Cùng lúc đó, quyết định đầu tiên được bà Aéz ký ban hành là lệnh cho phép quân đội được quyền sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. Chính phủ lâm thời sau đó đưa ra một loạt các chính sách đàn áp nền dân chủ. Trong đó có việc đóng cửa nhiều tòa soạn báo; bắt bớ các chính trị gia cánh tả; trục xuất nhóm bác sỹ tình nguyện người Cuba về nước, v.v…

Nguyên Tổng thống lâm thời Jeanine Aéz giơ cao quyển Kinh Thánh trước bậc thềm phủ Tổng thống.

Nguyên Tổng thống lâm thời Jeanine Aéz giơ cao quyển Kinh Thánh trước bậc thềm phủ Tổng thống.

Thành viên và người ủng hộ đảng chính trị Movimiento al Socialismo (MAS), do ông Evo Morales lãnh đạo, chịu sự đe dọa từ chính những người cầm quyền. 9 nông dân bị cảnh sát giết vào ngày 15-11 khi đang biểu tình đòi hỏi chính sách hỗ trợ nông dân tiếp theo. Chưa đầy một tuần sau, cảnh sát lại bắn vào đám đông biểu tình tại El Alto, giết chết 8 người.

Việc các nhóm phát-xít và phần tử cực hữu khác có động thái nhanh chóng và manh động như trên, cùng với sự làm ngơ của các bên có thẩm quyền ở Bolivia đã gây sốc cho cả cộng đồng thế giới. Làm thế nào mà một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ, được ưu đãi cả về mặt thiên nhiên lẫn con người, lại có nhiều đối tượng phát-xít như thế? Câu trả lời nằm tại những vấn đề đã bám theo đất nước này trong nhiều thế kỷ.

Mảnh đất của sự chia rẽ

Hầu hết diện tích Bolivia là núi cao, nơi ở của nhiều nhóm dân tộc thiểu số từ thời tiền sử. Một số ít thành phố tại Bolivia được người da trắng di cư lập ra sau khi Tây Ban Nha biến đất nước này trở thành thuộc địa của họ. Tuy Bolivia cuối cùng cũng giành được độc lập từ tay Tây Ban Nha, quyền lực chính trị vẫn tập trung tại đô thị, đặc biệt là ở cố đô Santa Cruz. Giới cầm quyền (chủ yếu là địa chủ gốc Âu) thực hiện chính sách bóc lột sức lao động của người dân bản địa. Người dân tộc thiểu số bị bắt phải khai thác các nguồn lực tự nhiên như gỗ, than và khí tự nhiên đến mức cạn kiệt để cho ông chủ của họ giàu lên.

Sự bóc lột đã sớm khiến người dân tộc thiểu số Bolivia "thức tỉnh" trước các tư tưởng cấp tiến. Ngay từ cuối thế kỷ thứ XIX, lý thuyết về chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện và lan truyền tại Bolivia. Người dân hiểu rằng, đấu tranh giai cấp cũng chính là đấu tranh đòi quyền sống cho cộng đồng và dân tộc mình. Ngược lại, tầng lớp thượng lưu lại càng trở nên cực đoan hơn trong ý thức hệ của mình. Tư tưởng phân biệt chủng tộc trở thành lời giải thích cho việc họ thu lời từ việc đàn áp, bóc lột người dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ liên tiếp. Và nơi nào có tư tưởng phân biệt chủng tộc, nơi đó sẽ có phong trào phát-xít.

Các nhóm phát-xít đã đặt hết hi vọng vào Luis Fernando Camacho trong cuộc bầu cử vừa qua.

Nhóm FSB được thành lập vào năm 1937 và ngay lập tức thu hút sự tham gia của địa chủ, doanh nhân, quan chức, v.v…Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, FSB đã cộng tác với mạng lưới phát-xít toàn cầu để đưa tàn quân Đức Quốc xã đến Bolivia trốn tránh sự truy lùng của quân đồng minh. Có khá nhiều nhân vật khét tiếng trong hàng ngũ quân Quốc xã sau đó sinh sống tại Bolivia, thậm chí còn tham gia những nhóm phát-xít hay cộng tác với nhiều chính phủ độc tài đàn áp nhân dân trong giai đoạn 1970 - 2000.

Nhân dân Bolivia cuối cùng đã tập hợp lực lượng quanh lá cờ của MAS và giúp ông Evo Morales, một người dân tộc Aymara và khi đó là Tổng thư ký Công đoàn nông dân trồng cacao, thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2006. Ngay khi vừa nhận chức, ông Morales đã ban hành một loạt chính sách cấp tiến nhằm tái phân bố của cải, lấy nguồn lợi từ hoạt động khai thác tự nhiên chia cho người nghèo. Trong vòng 13 năm ông Morales nắm quyền, Bolivia nói chung và tầng lớp người nghèo nói riêng được hưởng lợi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống nhanh chóng (từ 36% năm 2004 xuống còn 17% năm 2017); GDP tăng lên theo cấp số cộng (trung bình 4,8%/năm), và nợ nước ngoài gần như được giải quyết hết.

Không phải ai cũng vui mừng trước những bước chuyển mình của Bolivia. Ông Morales đã cho quốc hữu hóa hàng loạt ngành công nghiệp, trong đó có ngành khai thác khí hóa lỏng và lithium - một chất tối quan trọng trong sản xuất pin. Mặt khác, chính phủ đã sát cánh cùng người lao động đòi những quyền lợi chính đáng của họ từ giới chủ. Các nhóm phát-xít bắt đầu dựa vào lòng thù ghét ông Morales và MAS để tìm kiếm thêm thành viên và sự ủng hộ. Nhóm phát-xít lớn nhất khi đó là Podemos được sự hậu thuẫn của hàng loạt triệu phú.

Sau cuộc nổi dậy vũ trang thất bại năm 2009, Podemos bị chính quyền giải tán. UJC là một trong các nhóm phát-xít "vực dậy" từ cái chết của Podemos. Luis Fernando Camacho, lãnh đạo UJC, đã khéo léo tìm được cách tạo mối liên hệ đồng minh giữa tổ chức này và một nhóm các chủ đất, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, v.v…UJC hoạt động như một thứ "côn đồ cho thuê" đối với các đối tượng này để đổi lấy sự giúp đỡ về vật chất và chính trị. Đã có không ít thành viên UJC bị kết án vì tội hành hung những người nông dân, công nhân biểu tình đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Sau khi ông Evo Morales tuyên bố đã thắng cử chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, UJC và các nhóm phát-xít khác nhanh chóng tuyên bố không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử, đồng thời đổ ra đường biểu tình. Chúng công khai đe dọa các quan chức và người ủng hộ của MAS. Thậm chí trong một số trường hợp chúng tổ chức còn hành hung, nhục mạ họ. Nữ Thị trưởng Patricia Arce ở Vindo bị UJC lôi ra khỏi văn phòng đánh đập, đổ sơn đỏ từ đầu xuống chân, rồi đem diễu quanh thành phố. Hay là nhà báo, Giám đốc Đài phát thanh Jose Aramayo bị những kẻ phát-xít trói vào thân cây và tra tấn một ngày liền.

Các nhóm phát-xít đã đặt hết hi vọng vào Luis Fernando Camacho trong cuộc bầu cử vừa qua.

Cảnh sát và quân đội Bolivia từ lâu không ưa gì ông Morales, do hầu hết hàng ngũ sỹ quan đều xuất thân từ những gia đình thượng lưu. Họ hoàn toàn không có hành động gì ngăn chặn sự lộng hành của những phần tử phát-xít. Trong khi Tổng thống Morales còn đang rối trí, quân đội bất ngờ bí mật ra điều kiện: Nếu ông đồng ý từ chức và rời khỏi đất nước, quân đội Bolivia sẽ tự mình giải quyết tình trạng hỗn loạn hiện thời.

Ông Morales đã đồng ý với đề nghị này và bay từ Bolivia sang Mexico. Mục đích của ông là cao quý, nhưng đây vẫn là một quyết định rất sai lầm: không những quân đội vẫn tiếp tục làm ngơ, mà các nhóm phát-xít, được sự hậu thuẫn của chính phủ lâm thời cánh hữu mới lên nắm quyền, lại càng có hành vi tàn độc hơn với tầng lớp người lao động, người dân tộc thiểu số.

Chờ đợi sự thay đổi

Thật may mắn là người dân Bolivia đã chặn đứng phong trào phát-xít tại chỗ. Ông LuisArce, ứng cử viên của MAS trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 11 vừa qua đã chiến thắng với số phiếu quá bán. Trong khi đó, Luis Fernando Camacho cũng tham gia tranh cử và chỉ nhận được 14% số phiếu bầu.

Thất bại lần này tuy vậy không phải là dấu chấm hết cho các nhóm phát-xít tại Bolivia. UJC và những người ủng hộ đang đổ ra đường phố biểu tình phản đối chiến thắng của ông Arce. Ở Santa Cruz đã có sự cố người biểu tình phá cửa trạm đếm phiếu bầu rồi thiêu rụi tòa nhà. Hay tại thủ đô La Paz, họ tấn công Tổng thư ký Liên đoàn Công nhân mỏ Orlando Gutíerrez, khiến ông này bị trọng thương và qua đời hai ngày sau đó. Những tổ chức, phần tử phát-xít vẫn đang là mối nguy hiểm đối với an ninh, ổn định và sự sống còn của nền dân chủ Bolivia.

Thế giới đang quan tâm Chính phủ mới của ông LuisArce sẽ đưa đất nước Nam Mỹ này thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua như thế nào.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/bolivia-mong-cho-chinh-phu-moi-thoat-khoi-khung-hoang-621456/