Bom mìn - Nỗi đau còn dai dẳng trên biên giới Vị Xuyên

Vị Xuyên - một huyện của tỉnh Hà Giang là mảnh đất hứng chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng hậu quả để lại vẫn vô cùng nặng nề do có gần 100 nghìn héc-ta đất nằm dọc theo chiều dài biên giới Việt – Trung bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ.

Mìn, đạn bà con lượm được khi đi rừng, làm nương rẫy.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người dân các xã biên giới thuộc huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thường lên núi đào bới bom mìn, mảnh đạn về bán sắt vụn hoặc phát nương lầm rẫy, lấy củi. Đã có rất nhiều người bị mất chân, mất tay do vướng phải đạn pháo, bom mìn còn sót lại ở trong rừng. Đi nương tra ngô, trồng lúa, vào rừng kiếm củi..., người dân nơi đây luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy.

Thôn Giang Nam là trung tâm của xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên có hàng chục người bị cụt chân, cụt tay do giẫm phải bom mìn. Hôm chúng tôi đến nhà, anh Nông Văn Dũng vừa đi làm về. Anh đi cà nhắc với 1 chiếc chân giả, lết từng bước rất khó nhọc. Nói về cái chân phải của mình, anh Dũng tiếc nuối: “Phải mất nhiều thời gian, tôi mới trở lại trạng thái cân bằng như hôm nay”.

Hơn 20 năm trước, trong một lần đi đào kênh mương phục vụ sản xuất, ông Nguyễn Đức Dân, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên mất đôi bàn tay do cuốc phải mìn. May mắn hơn nhiều nạn nhân khác trong thôn, ông Dần vẫn còn đi lại được, nhưng phải mất nhiều năm luyện tập mới có thể giúp đỡ vợ con làm việc nhà.

Quả đạn pháo mà anh Dân nhặt được đã nổ ngay trên tay anh.

15 năm trước, anh Pảo Văn Tài, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên đi làm nương, không may vướng phải mìn bị cụt mất một chân. Điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền để lắp chân giải nên anh Tài mua ống nhựa về tự tạo chân giả cho mình. Chân giả không bảo đảm khiến anh Tài đau đớn khi đi lại. “Từ năm 2007, được nhà nước hỗ trợ làm chân giả, đi lại thuận tiện hơn, hàng ngày ngoài việc giúp đỡ vợ con công việc chăn thả gia súc, tôi còn chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm trước, gia đình tôi còn được Hội CTĐ tỉnh Hà Giang hỗ trợ một con bò sinh sản. Có sự quan tâm của nhà nước, cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn trước”, anh Pảo Văn Tài cho biết.

Thôn Giang Nam cũng có nhiều góa phụ. Họ là những người phụ nữ không may mắn, nửa đời đứt gánh do chồng vướng vào mìn, đạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi không riêng gì ở xã Thanh Thủy mà ở nhiều xã khác như Minh Tân, Phong Quang của huyện Vị Xuyên cũng có nhiều người bị chết hoặc bị cụt chân, cụt tay do giẫm phải mìn.

Xã Minh Tân nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang. Nơi đây rừng già còn ngút ngàn nhưng cuộc sống của người dân vẫn bộn bề gian khó. Họ vẫn phải bám rừng để mưu sinh. Nhắc đến chuyện vướng phải đạn pháo, ông Vàng Seo Quả (ở thôn Mã Hoàng Phìn) tỏ ra lo lắng: “Ở trong rừng còn nhiều đầu đạn lắm. Thi thoảng trâu bò vẫn giẫm phải mìn, bị nổ tan xác. Nhiều người sợ quá, chẳng dám vào rừng đâu”. Cũng theo ông Quả, sau nhiều năm sống ở vùng này, bà con đã biết một số bãi đạn nên mọi người tránh không đi vào vùng đó.

Nhiều người bị mất chân, mất tay do giẫm phải bom, mìn nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn coi việc đi nhặt sắt vụn là một nghề dễ kiếm sống. Trong rừng còn rất nhiều đầu đạn pháo chưa nổ. Họ nhặt về để bán. Thôn Thanh Sơn (Thanh Thủy) là nơi nhặt được nhiều đầu đạn còn sót lại. Gia đình ông Nguyễn Văn Dân đã gom được khá nhiều sắt vụn bằng cách này.

Trước đó, ông Dân khi đào mương thoát nước đã bị một quả đạn nổ ngay trên tay. Hậu quả là đôi bàn tay của ông bị cắt sạch. Góc nhà của ông Dân hiện nay vẫn để hàng chục quả đạn, pháo to bằng cổ chân. Tuy đôi tay của ông đã bị cắt cụt, nhưng khi nhắc tới đống sắt vụn ở góc nhà, ông Dân nói: “Sau nhiều năm tôi mới sưu tầm được ngần này. Đợi kiếm thêm được một ít nữa thì gọi người mua sắt vụn vào bán”.

Nhặt sắt vụn là cách "kiếm ăn" của nhiều người cũng là nghề vô cùng nguy hiểm. Trong khi đó, đội quân tìm sắt vụn vẫn hoạt động rầm rộ trên địa bàn mà chưa quản lý nổi. Vài năm trước, khi sắt vụn có giá thì đội quân này lên tới cả trăm người. Họ đến từ nhiều địa phương khác. Thời gian đó, dân xã Thanh Thủy vẫn thỉnh thoảng thấy cảnh người ta hớt hải khóc than khi đưa người bị thương, thậm chí đã chết, xuống núi.

Được biết, thời gian gần đây công binh tỉnh Hà Giang đã nhiều lần về các thôn giáp biên để dò phá bom mìn nhưng mới chỉ làm được một phần. Rừng núi nơi đây rộng bát ngát, bom mìn còn sót lại thì nhiều vô kể. Do vậy, việc người dân tự ý đi tháo ngòi nổ của mìn để bán sắt vụn là vô cùng nguy hiểm...

Quả bom được Đại đội 19 Công binh đưa lên sau nhiều năm nằm sâu dưới lòng đất.

Đại tá Nguyễn Công Dần, Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: “Diện tích cần rà phá bom mìn rất lớn, trong đó có nhiều diện tích cần rà phá ngay để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, trong đó kiện toàn đại đội công binh chuyên trách rà phá bom mìn, về nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác rà phá bom mìn, đơn vị cần được tháo gỡ khó khăn về kinh phí. Đồng thời, tỉnh và các ngành chức năng cũng sớm phê duyệt dự án rà phá bom mìn trong giai đoạn tới để đơn vị chủ động thực hiện".

Cần lắm sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn tại biên giới Vị Xuyên, Hà Giang.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bom-min-noi-dau-con-dai-dang-tren-bien-gioi-vi-xuyen/