'Bơm' vốn cho VNA: Không bình thường trong hoàn cảnh bất bình thường

Những ngày qua, việc Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đề nghị Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp (DN), 'bơm' hàng chục ngàn tỷ đồng để giải quyết khó khăn về thanh khoản, đã trở thành chủ đề cuộc tranh luận về cơ sở pháp lý để cứu DN nhà nước (DNNN).

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã dành cho ĐTTC cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông có bình luận gì về đề nghị của VNA?

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Chúng ta đều biết các DN hàng không nói chung và VNA nói riêng đang bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 5-2020, Covid-19 đã “thổi bay” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới.

Theo Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA), doanh thu của các hãng hàng không thế giới dự kiến giảm 419 tỷ USD và lỗ khoảng 84 tỷ USD trong năm 2020, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương lỗ khoảng 29 tỷ USD. Với VNA, năm 2020 dự kiến lỗ ròng nhiều chục tỷ đồng. Và như vậy VNA đề nghị chủ sở hữu hỗ trợ là không sai.

- Ông được biết đến là người luôn ủng hộ môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng cho mọi thành phần DN. Liệu sự hỗ trợ của Nhà nước cho VNA, một DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, có đi ngược lại nguyên tắc đó?

- Vấn đề chúng ta bàn ở đây không phải là hỗ trợ của Nhà nước, mà là đầu tư của Nhà nước, tức của chủ sở hữu để DN của mình vượt qua khó khăn, tiếp tục hoạt động, tránh nguy cơ bị phá sản. Việc làm này cũng giống như các chủ sở hữu tư nhân thường làm đối với DN do họ sở hữu.

Như vậy, trong trường hợp này, Nhà nước thực hiện các quyền sở hữu của mình đối với DN, cụ thể là VNA, không phải ban hành một chính sách riêng chỉ áp dụng đối với VNA. Việc này không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, hay đối xử bất bình đẳng với các DN khác.

Trên thực tế, vừa qua Chính phủ trong vai trò quản lý nhà nước đã ban hành hàng loạt giải pháp, các gói hỗ trợ áp dụng với tất cả DN không phân biệt thành phần kinh tế, trong đó có các hãng hàng không.

- Nhưng thưa ông, thực tế Nhà nước không phải chủ sở hữu duy nhất của VNA. Theo ông, giải pháp nào phù hợp cho VNA cũng như các DNNN khác đang trong tình trạng tương tự?

Bơm tiền cho VNA tức Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với DN của mình, giống như chủ sở hữu tư nhân thường làm đối với DN do họ sở hữu.

- Đúng là Nhà nước không phải là cổ đông duy nhất, nhưng là cổ đông nắm tỷ lệ tuyệt đối cổ phần của VNA, gần 90%. Nếu Nhà nước trong vai trò là cổ đông đa số tuyệt đối không có sáng kiến đề xuất và thực hiện khoản đầu tư này, không có cổ đông nào làm điều đó cả.

Các cổ đông nhỏ thường là “những người ăn theo”. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các quyết định phát hành huy động thêm vốn cổ phần, hay vay mượn thêm vốn với số lượng lớn đều phải được hội đồng cổ đông thông qua, trong đó cổ đông nhà nước có vai trò chi phối.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tế hiện nay cho thấy có một số phương án, gồm phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu (trong trường hợp này là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC có thể nhận mua số cổ phần tương ứng của cổ đông nhà nước); điều chuyển vốn giữa các DN do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) làm đại diện chủ sở hữu, phát hành trái phiếu chuyển đổi và Chính phủ - trong vai trò cổ đông đa số tuyệt đối - cho vay tái cấp vốn qua ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu, hoặc bảo lãnh cho vay.

- Vậy theo ông phương án nào khả thi hơn cả?

- Tôi cho rằng cần dự báo dài hơn tác động của Covid-19 đối với ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng. Từ đó tìm kiếm, lựa chọn giải pháp hợp lý nhất để có thể vừa giải quyết khó khăn trước mắt, vừa thúc đẩy tái cơ cấu VNA trong giai đoạn hậu Covid-19. Phương án có thể là kết hợp hợp lý các phương án nói trên.

Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề chúng ta đang bàn ở đây là không bình thường trong hoàn cảnh bất bình thường. Do đó cần có tư duy và cách tiếp cận khác biệt để giải quyết vấn đề. Không nên áp dụng máy móc các yêu cầu hay quy định trong điều kiện bình thường trước Covid-19.

Thí dụ, theo lộ trình thoái vốn, chỉ có Nhà nước thoái vốn, không đầu tư thêm vốn vào VNA. Tuy vậy, khó khăn hiện nay là khách quan và bất khả kháng. Trong điều kiện hiện nay, nếu tiếp tục thoái vốn, không ai đầu tư hoặc Nhà nước phải bán đi tài sản có chất lượng với giá rất thấp.

Nếu làm với VNA như vậy không chỉ Nhà nước mất mát lớn, còn có những rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như mất đi cơ hội phục hồi kinh tế trong thời gian sắp tới.

Tóm lại, xét theo góc độ thị trường, việc Nhà nước đầu tư thêm vốn vào VNA chưa hẳn là thương vụ mất mát. SCIC là nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp, có quyền lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả, có khả năng sinh lời và phù hợp với quy định của pháp luật.

Mục tiêu kinh doanh cũng được xác định rõ, đó là có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại DN khác. Ở đây, vai trò của SCIC trong VNA tương tự như từng làm với Vinaconex 8 năm trước, khi quyết định đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng để tái cơ cấu Vinaconex năm 2012. Sau đó, SCIC đã thu lại khoản lợi nhuận lên tới 4.800 tỷ đồng vào năm 2018.

Hơn nữa, nguồn vốn mà SCIC dự kiến đầu tư vào VNA cũng không phải vốn từ ngân sách nhà nước, không thuộc phạm vi giới hạn của Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Như vậy, Nhà nước có thể thực hiện đồng thời tất cả giải pháp nói trên trong một cơ cấu hợp lý, vừa cho vay tái cấp vốn, vừa đầu tư thêm vốn với tư cách là cổ đông hiện hữu. Tuy vậy, cho vay tái cấp vốn là giải pháp có thể thực hiện ngay, đáp ứng kịp thời khó khăn tạm thời về thanh khoản của DN.

- Xin cảm ơn ông.

Anh Thư (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/bom-von-cho-vna-khong-binh-thuong-trong-hoan-canh-bat-binh-thuong-82303.html