Bốn điểm sáng kinh tế năm 2018

Năm 2018, nền kinh tế ghi nhận bốn điểm sáng, với nhiều kỷ lục và thành công toàn diện. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế tư nhân đóng vai trò tích cực trong đầu tư xã hội. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thị trường xuất khẩu lao động mở rộng.

Nhiều kỷ lục và thành công toàn diện

Cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra, với GDP tăng 7,08%, vượt qua mọi dự báo lạc quan nhất; với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%; dịch vụ tăng 7,03%); bình quân đầu người lên khoảng 2.580 USD/người, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu hàng hóa đạt 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; Xuất siêu hàng hóa (7,2 tỷ USD); Dự trữ ngoại hối trên 60 tỷ USD; Thu hút hơn 15,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; Giá trị IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, vượt cả thị trường Singapo… Lãi suất và mức tín dụng phù hợp thị trường; Nợ xấu và nợ công tiếp tục giảm tỷ trọng; Giá trị đồng tiền ổn định và niềm tin chính sách, niềm tin thị trường được giữ vững; Vị thế và uy tín quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã ký và thông qua CPTPP và lần đầu tiên được bầu là thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc. Hiện đã có 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cả nước đã có gần 40% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt tiến độ đề ra. Thiệt hại từ thiên tai cả năm cũng giảm 50% so với năm trước…Ngoài ra, thành công trong các giải bóng đá khu vực, cùng những vị trí cao nhất từ trước đến nay, mà Việt Nam có được trong các giải thi hoa hậu khu vực và quốc tế, đang làm nức lòng người hâm mộ trong nước và quốc tế.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng, tích cực đầu tư kinh tế tư nhân

Năm 2018, Tốc độ tăng năng suất lao động tiếp tục được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017) và tăng 5,93. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Hơn nữa, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện còn thể hiện rõ nét ở các chỉ số vĩ mô tích cực, động lực tăng trưởng bền vững được củng cố: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước; Công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh; Thu NSNN tăng và nợ công, nợ xấu giảm sâu về tỷ trọng; Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2018 tăng 1,29% so với năm 2017.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, với đầu tư khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm trước chiếm tới 43,3 % tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP); Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn mức 14% của khu vực FDI. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang trở nên tinh hơn và ngày càng đa dạng hóa; Việt Nam hiện có với 36 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng chế tạo, chế biến chiếm tới khoảng 85%. Nhóm gạo có chất lượng cao và gạo đặc sản (gạo nếp, tám thơm, gạo jasmine) chiếm trên 80 % và chỉ sau một năm, với giá thu mua thịt hơi từ mức 15.000-17.000 đồng/kg (tháng 4-2017), tăng lên mức 56.000 đồng/kg (tháng 10-2018), giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân thoát khỏi cảnh thua lỗ, nợ nần.

Bên cạnh đó, FDI thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017; có 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% vốn góp, mua cổ phần; Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất chiếm 36,7% tổng vốn đăng ký cấp mới;

Chất lượng tăng trưởng còn thể hiện qua tổng đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2018 đạt 432,2 triệu USD. Lào là nước dẫn đầu 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, chiếm 18,9%.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Ngoài Chỉ số Đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng 2 bậc so với năm trước, trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF ASEAN) 2018, diễn ra ngày 12-9-2018, Việt Nam đã được Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey xếp vào nhóm 18 nước “đạt hiệu quả vượt trội hơn” trong tổng số 71 nền kinh tế mới nổi toàn cầu (với một trong các tiêu chí là nước có số lượng doanh nghiệp quy mô lớn nhiều gần gấp đôi so với các quốc gia đang phát triển khác).

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam đạt 68,36 điểm, cao hơn 1,59 điểm trong Doing Business 2018 (66,77 điểm) và có 6/10 chỉ số môi trường đầu tư được cải thiện và đứng đầu Đông Nam Á vì thực hiện 18 cải cách trong 5 năm qua. Năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3346/6191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Việt Nam đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Thị trường xuất khẩu lao động mở rộng

Tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo và thất nghiệp trong xã hội đều giảm... Tính chung năm 2018, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%; Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 56,3%. Hơn 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 7% so với năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Cả nước có 105 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1%, tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%.; gần 23,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/38816102-bon-diem-sang-kinh-te-nam-2018.html