Bốn điểm yếu trong phát hành trái phiếu DN

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng, thị trường trái phiếu sơ cấp đang có những dấu hiệu khả quan. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các trung gian tài chính khi đóng vai trò là tổ chức tư vấn và thu xếp phát hành.

Từ đầu năm 2009 đến nay số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công là 13 so với 7 đợt trong cả năm 2008, quy mô phát hành lớn gấp gần 2 lần so với năm 2008 với tổng giá trị trên 12.000 tỷ đồng Các trung gian tài chính thu xếp phát hành trái phiếu đang phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2006, 2007, trung gian tài chính tham gia thị trường trái phiếu chỉ là các NHTM thì giờ đây có thêm công ty tài chính, công ty chứng khoán. Quy mô thu xếp vốn (gồm cả thu xếp và bảo lãnh phát hành) cũng tăng lên. Hoạt động thu xếp vốn bao gồm đại lý phát hành và bảo lãnh phát hành. Các tổ chức tài chính trung gian thu xếp vốn tiêu biểu thuộc khối NHTM có HSBC, ANZ, Citi Bank, BIDV; khối công ty chứng khoán có SSI, FPTS, BSC, HBBS; khối công ty tài chính có PVFC. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức trung gian thu xếp vốn vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ và gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động. Có một số lý do dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất, sau hơn 9 năm TTCK chính thức hoạt động, hiện thị trường vẫn thiếu cơ sở pháp lý cho hoạt động thu xếp vốn. Mặc dù nghiệp vụ này đã được các ngân hàng thương mại triển khai cách đây vài năm, nhưng đến nay việc cấp giấy phép hoạt động về lĩnh vực này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ chưa đầy đủ, ngoài Nghị định 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động này đến nay vẫn chưa được ban hành Thứ hai, chưa hình thành thông lệ thị trường phát hành trái phiếu chuẩn. Một số đợt phát hành được thực hiện theo thông lệ phát hành trái phiếu quốc tế nhưng phần lớn quy trình và tài liệu phát hành trái phiếu mang tính tự phát, tùy thuộc vào kinh nghiệm và hiểu biết của tổ chức tư vấn thu xếp nên chất lượng tư vấn thu xếp phát hành phần nào bị ảnh hưởng. Điều này, một phần là hệ quả của việc thiếu các văn bản pháp lý điều tiết. Thứ ba, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên trái phiếu chào bán trên thị trường ở mức khiêm tốn và chất lượng trái phiếu chưa cao, tập trung chủ yếu ở trái phiếu ngân hàng và trái phiếu bất động sản. Thứ tư, đối tượng nhà đầu tư hạn chế cả về số lượng và quy mô vốn. Hiện nay, đối tượng nhà đầu tư chủ yếu vẫn là các NHTM. Các loại hình nhà đầu tư khác như công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tham gia rất hạn chế và thiếu vắng sự tham gia của ngân hàng đầu tư, quỹ hưu trí hay quỹ tương hỗ. Hơn nữa, quy mô vốn dành cho đầu tư trái phiếu trung - dài hạn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản của các định chế tài chính và việc đầu tư trưng dài hạn này chịu sự điều tiết của các quy định pháp luật liên quan đến an toàn hoạt động nên phần nào hạn chế khả năng tham gia của nhà đầu tư trên thị trường, dẫn đến tính thanh khoản của thị trường trái phiếu không cao. Để nâng cao và phát huy vai trò của các trung gian thu xếp vốn trên thị trường trái phiếu sơ cấp giúp thị trường trái phiếu DN phát triển, cần có những giải pháp đồng bộ giải quyết vấn đề từ chính sách, cơ chế điều tiết hoạt động của thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng đến chuẩn hóa hoạt động của bản thân các trung gian tài chính. Đỗ Thị Hoa Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển Theo ĐTCK

Nguồn StoxPlus: http://stox.vn/stox/view_news_detail/39145/1/186/bon-diem-yeu-trong-phat-hanh-trai-phieu-dn.stox