Bốn kịch bản quan hệ thương mại Việt – Mỹ trong năm 2019

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, trong năm 2019, quan hệ thương mại Việt – Mỹ sẽ có 4 kịch bản. Và khả năng các kịch bản là ngang nhau…

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng thế nào tới quan hệ thương mại Việt – Mỹ, thưa ông?

- Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang trở thành quan hệ cơ bản chi phối xu hướng của nền thương mại toàn cầu trong giai đoạn hiện tại và có thể cả trong hàng chục năm tới. Tuy nhiên, hai nước đã ngừng đánh thuế trong 90 ngày kể từ ngày 1/12/2018 đến 3/3/2019.

Giai đoạn này là thời gian tạm ngừng trả đũa qua lại. Đây cũng là thời điểm Việt Nam, như tuyên bố của Hoa Kỳ, chấm dứt quy chế nền kinh tế phi thị trường (MNE) sau ngày 31/12/2018 nhưng không phải là quá trình vận động. Vấn đề là quan hệ Việt – Mỹ về thương mại sẽ vận động theo hướng nào trong năm 2019 để có giải pháp thích nghi hiệu quả.

Vậy theo ông nhận định, sẽ có mấy kịch bản cho quan hệ thương mại Việt – Mỹ trong năm 2019?

- Tôi cho rằng khả năng sẽ có 4 kịch bản. Thứ nhất, trong thời gian 90 ngày tạm hoãn các biện pháp gây căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, quan hệ thương mại Việt - Mỹ và thậm chí cả nền thương mại thế giới rơi vào trạng thái im lặng tạm thời. Liệu Mỹ đang ở tình trạng “nước đôi” trong quan hệ thương mại với Việt Nam?

Các lý do giải thích cho hiện tượng này là Mỹ không đưa ra các biện pháp mạnh do đang giữ trạng thái hòa hoãn (90 ngày) với Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm thái độ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam và các nước có mục tiêu ủng hộ Mỹ hay không trong cách ứng xử cứng rắn và quyết liệt với Trung Quốc.

Đồng thời, Mỹ đang nghiên cứu cách thức xử lý quan hệ với Trung Quốc và với các đối tác có liên quan sau sự kiện này. Do đó đến thời điểm hiện tại, cơ quan hoạch định chính sách của Mỹ có thể chưa tuyên bố giải pháp tối ưu hay đang trong giai đoạn “bàn mưu tính kế” để đạt đến mục tiêu mong đợi.

Quan điểm của Mỹ sẽ rõ hơn 90 ngày khi Mỹ và Trung Quốc sau khi “úp bài” sẽ “lật bài”, hay chơi bài ngửa thì sẽ bộc lộ quan điểm với Việt Nam là sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào khoảng thời gian im lặng đến “ghê lạnh” này cũng như tất cả những hoạt động, vận động và nhanh chóng đưa ra các quan hệ ngầm định để nhanh chóng đạt đến sự tường minh.

Kịch bản thứ hai, hiện Mỹ chưa xác định được câu trả lời quan hệ thương mại với Việt Nam, mặc dù như đã hứa công nhận nền kinh tế thị trường của ta từ ngày 31/12/2018. Nếu Việt Nam khai thác mạnh, thậm chí triệt để khía cạnh này và truyền thông mạnh theo phong tục phương Đông “im lặng là đồng ý” thì đương nhiên, Việt Nam được mặc định là nền kinh tế thị trường. Do đó, từ 1/1/2019, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

Tuy nhiên, để đảm bảo “danh chính ngôn thuận”, Việt Nam cần có thao tác khẳng định vị thế nền kinh tế thị trường của mình bằng cách gửi thông điệp tới cơ quan đưa ra phán quyết về nền kinh tế thị trường của Việt Nam là Quốc hội Mỹ cũng như tăng cường truyền thông để khẳng định vị thế này.

Có 4 kịch bản trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Kịch bản thứ ba, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận từ “cùng thắng” sang “cùng lợi”, có thể ít hoặc nhiều lợi ích vì bản chất của thương mại không bao giờ chỉ có thắng mà không thua và ngược lại, cũng như không bao giờ đạt tới lợi ích cân bằng theo phương châm bình đẳng.

Quan hệ “thắng - thắng” hay “cùng thắng” là quan hệ nước lớn kiểu mới, còn Việt – Mỹ là quan hệ các nước lớn và nước nhỏ, nhưng lại ở cạnh một nước là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Cho nên quan điểm lợi ích thuần túy của Việt Nam bị chia sẻ hay suy giảm phần nào khi đặt Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trong điều kiện Mỹ - Trung đang trong quá trình đụng độ hay cọ xát khá mạnh, mà đáng lý cần có sự hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng thương mại và cùng có lợi.

Cũng không loại trừ quan điểm cực đoan Mỹ đổ lỗi thâm hụt thương mại của Mỹ có một phần trách nhiệm của Việt Nam. Sẽ là bất lợi đối với Việt Nam khi Mỹ lấy đường lối đối ngoại của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với Mỹ trong quan hệ thương mại song phương đã được nhắc đến. Mỹ yêu cầu Việt Nam cần thể hiện vị trí và vai trò là thành viên có trách nhiệm trong quan hệ với Mỹ, nhất là trách nhiệm với tình trạng thâm hụt với Mỹ.

Trong quan hệ đối tác chiến lược, nếu một bên không thể hiện trách nhiệm với đối tác bên kia thì khó có thể xây dựng một quan hệ đối tác hoàn hảo và trọn vẹn trong khối hợp tác tiểu khu vực có Việt Nam, Philipinm Malaysia và Singapore cũng như Brunei với những thỏa thuận thương mại đặc thù có lợi cho Mỹ và giảm mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc trong RCEP.

Kịch bản thứ tư, giữ nguyên hiện trạng và không có động thái nào đáng kể chờ đến thời điểm thuận lợi sẽ cố gắng đưa ra các sáng kiến mới có lợi cho cả hai bên. Đây có thể là cách thức Mỹ thăm dò mức độ nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế khác như với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFFTA), cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Mỹ sẽ tổ chức đàm phán với Việt Nam theo cách thức “hạ hồi phân giải” với khoảng thời gian tính từ sau ngày 1/7/2019. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung bước sang một giai đoạn mới đòi hỏi các nước nhỏ phải điều chỉnh cách ứng xử phù hợp.

Tôi cho rằng đến nay khả năng triển khai các kịch bản là ngang nhau, và sau thời điểm 90 ngày, kịch bản đầu tiên sẽ được bộ lộ cao nhất và đó là tín hiệu của một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Theo ông Nhà nước và doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị gì để phát triển quan hệ thương mại Việt – Mỹ lên quy mô lớn hơn?

- Nền kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng quan trọng với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt kỷ lục trong gần 10 năm là 7,08%. Động lực tăng trưởng kinh tế đang mở ra từ cả trong nước và ngoài nước trong giai đoạn từ 2019 nhất là động lực từ thị trường toàn cầu đang truyền dẫn theo chiều sâu vào thị trường trong nước.

Quan hệ thương mại Việt – Mỹ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tăng trưởng kinh tế này. Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với kim ngạch trên 30 tỷ đô la Mỹ và nhập khẩu khoảng 4 tỷ đô la Mỹ. Và con số này đang ngày càng tăng lên do quy mô thương mại chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam sử dụng nhiều dịch vụ của Mỹ hay nhập khẩu dịch vụ đáng kể của Mỹ như giáo dục, khoa học – công nghệ, pháp lý, phần mềm… cho nên quan hệ thương mại song phương mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, nghĩa là đôi bên cùng có lợi trên nền tảng quan hệ mới. Đây là nên tảng quan trọng và bền vững để tiếp tục phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trong giai đoạn tiếp theo.

Quan hệ thương mại Việt – Mỹ trong năm 2019 có khả năng có những thay đổi quan trọng, thậm chí có sự thay đổi về chất lượng. Mỹ có khả năng công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam sau thời điểm 1/7/2019 và quan hệ thương mại hai nước sẽ được đặt trên những nền tảng pháp lý quan trọng là hàng loạt cam kết quốc tế. Đó là thời điểm quan trọng để các chính sách, công cụ và biện pháp được cả hai bên áp dụng nhằm gia tăng giá trị cho các bên liên quan.

Do vậy cả phía nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị cẩn thận về đề xuất các chính sách để phát triển quan hệ thương mại Việt – Mỹ lên một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, tương xứng với quy mô kinh tế và thương mại, đầu tư gia tăng của quan hệ song phương hai nước.

Các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược nghiên cứu, đầu tư và phát triển sang thị trường Mỹ trên cơ sở kết nối theo chuỗi với các doanh nghiệp và đối tác Mỹ nội địa trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật Mỹ cũng như có phương án ráo riết tận dụng cơ hội mở ra do Trung Quốc có thể chuyển hướng thị trường cục bộ từ thị trường Mỹ sang thị trường khác. Đồng thời quan điểm đa dạng hóa thị trường và đa phương hóa đối tác cũng cần thực hiện hiệu quả để tránh tình trạng quá tập trung vào thị trường Mỹ dễ gặp rủi ro bất ngờ.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/bon-kich-ban-quan-he-thuong-mai-viet-my-trong-nam-2019-156198.html