Bốn nhà bắt tay phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM

TP.HCM xác định lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới khoa học công nghệ.

Ngày 7-11, UBND TP.HCM chủ trì hội thảo “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP”. Tại đây, bốn nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng và doanh nghiệp (DN) đã cam kết hình thành mối liên kết chặt chẽ để phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực: Cơ khí - tự động hóa; điện - điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế và nông nghiệp.

Là đơn vị đang cung cấp các robot, máy móc và công cụ được điều khiển bằng máy tính cho các công ty Nhật Bản, ông Bùi Thành Luân, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát, đề xuất: TP.HCM nên có chính sách riêng cho những DN sản xuất, nhất là với ngành chế tạo máy móc công nghệ cao chứ không nên đánh đồng với các sản phẩm thông thường.

“Ví dụ, với môtơ dùng trong các máy móc công nghệ cao và máy cơ khí chính xác thì nên có chính sách thuế riêng chứ không thể áp mức thuế cao giống như các loại môtơ máy bơm nước thông thường. TP.HCM cũng nên có chính sách hỗ trợ vốn để thu hút đầu tư sản xuất máy móc công nghệ cao vào các khu công nghiệp. Chẳng hạn, hỗ trợ các sản phẩm công nghệ cao có thể xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với số lượng cụ thể. Nếu quá thời hạn cam kết mà DN không làm được như vậy thì phải trả lại nguồn vốn mà TP đã hỗ trợ” - ông Luân kiến nghị.

Nhiều doanh nghiệp tham gia hiến kế để phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM. Ảnh: QH

Nhiều doanh nghiệp tham gia hiến kế để phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM. Ảnh: QH

Đánh giá cao chính sách cho vay vốn kích cầu của TP.HCM trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, cho biết chính sách này đã giúp DN mở rộng phát triển rất hiệu quả và đóng góp thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất sản phẩm khuôn mẫu của công ty đang bị cạnh tranh rất khốc liệt với hàng ngoại nhập, nhất là từ Trung Quốc. Lý do là thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị vào nước ta bằng 0%, thậm chí có sản phẩm khuôn mẫu nhập khẩu từ nước ngoài về cũng được hưởng thuế 0%. Vì vậy, ông Trí kiến nghị cần có chính sách rõ ràng đối với các mặt hàng ngoại nhập, từ đó tạo sự cạnh tranh công bằng cho DN trong nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của cả nước, TP.HCM có một mạng lưới DN, ngân hàng, nhà đầu tư tài chính, viện nghiên cứu… với số lượng lớn, quy mô đa dạng và trình độ phát triển khá. Tuy nhiên, việc kết nối các đơn vị chưa thật sự chặt chẽ và thể hiện rõ nét; chưa có một số điểm chung về kết nối vì sự phát triển của nền khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển của TP.

“Việc tổ chức hội thảo lần này với mục đích thúc đẩy mối liên kết bốn nhà trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực. Qua đó nhằm phát triển nguồn nhân lực, hình thành các sản phẩm mới và cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn TP” - ông Liêm cho biết.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định TP.HCM rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong DN. TP xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới khoa học công nghệ. Nhờ đó, nhiều năm qua các chương trình hỗ trợ của TP.HCM đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác các bên với kết quả khả quan. Ví dụ, trên 90% nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất… của DN.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/bon-nha-bat-tay-phat-trien-san-pham-chu-luc-tphcm-868880.html